Dân tộc

Bình Định tuyên truyền nâng cao nhận thức, nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn

Tuấn Trung 02/12/2023 14:07

Nhận thức được tầm ảnh hưởng của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành và địa phương của tỉnh Bình Định đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên.

Già làng ngăn chặn tảo hôn

Già làng Đinh Phik là người có uy tín ở làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh. Từ nhiều năm nay già được bà con trong làng xem như “thủ lĩnh tinh thần” trong mọi hoạt động. Không chỉ là người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, già Phik còn là tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Những nội dung cơ bản về Luật hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các chế tài xử phạt được già Phik nhớ như in để khi bà con hỏi thì già nói cho bà con nghe một cách thuyết phục nhất.

day-manh-tuyen-truyen-phong-chong-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-tren-dia-ban-tinh-binh-dinh.jpg
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Bình Định. (ảnh Trung Tuấn)

Chia sẻ về vấn đề này, già Đinh Phik bộc bạch, mình được bà con tín nhiệm, được Đảng và Nhà nước tin tưởng nên phải thật sự là tấm gương sáng trong làng. Muốn làm tốt trách nhiệm thì phải luôn đi sâu, đi sát vào đời sống của bà con. Hộ gia đình nào có con em chuẩn bị lấy vợ, lấy chồng hay con cái đang tuổi ăn, tuổi lớn giàĐinh Phik đều đến hỏi thăm và động viên gia đình “nói không” với tảo hôn. Vì thế, từ nhiều năm nay, làng 6, xã Vĩnh Thuận đã trở thành điểm sáng trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Còn già làng Sâu Zuôn Nam ở làng Kà Xim, huyện Canh Thuận, huyện Vân Canh cũng là người luôn đi đầu trong vận động con em trong làng không vi phạm Luật hôn nhân và gia đình; không kết hôn và sinh con khi chưa đủ tuổi.

“Nhiều năm trước, tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều nhưng những năm gần đây vấn nạn này giảm mạnh. Tôi đã vận động, động viên từng nhà, xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn, đặc biệt cán bộ xã Canh Thuận cũng đi đầu, làm gương chấp hành quy định về hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe. Xử lý cương quyết nên bà con cũng sợ hơn. Nhiều người không dự đám cưới tảo hôn nên nhiều gia đình cũng thấy thế mà khuyên nhủ con em cố gắng chờ cưới hỏi khi đủ tuổi. Biện pháp này hiệu quả nên những năm qua, tình trạng tảo hôn giảm mạnh ở địa phương”, già Nam chia sẻ

Ông Đinh Tiêu, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thạnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện ghi nhận 6 trường hợp tảo hôn; giảm đáng kể so với những năm trước. Thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh sẽ tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất đó là phụ nữ và thanh thiếu niên. Vận động xây dựng các mô hình điểm về chống tảo hôn tại các thôn, làng, trường học. Bên cạnh đó, triển khai các hội thi, sân khấu hóa tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn trong học sinh tại địa bàn.

Bước “chuyển mình”mạnh mẽ

Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào Chăm, Bana sinh sống nhưng những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Bình Định có xu hướng giảm. Kết quả này có được là do các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân. Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương đưa nội dung về tảo hôn, quy định tuổi được kết hôn vào hương ước, quy ước của thôn, làng để thực hiện. Bên cạnh đó, huyện phân công cán bộ thường xuyên đứng chân từng thôn, làng; vận động các gia đình ký cam kết không để xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân ở vùng DTTS. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, quy định của pháp luật về tảo hôn cho người dân, học sinh. Đặc biệt, chú trọng các hình ảnh nêu bật tác hại, hậu quả của tảo hôn để tạo ấn tượng, ăn sâu vào tiềm thức của bà con.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian tới, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành, các huyện, xã có vùng đồng bào DTTS tập trung phát triển kinh tế cho thật tốt. Ban Dân tộc tỉnh cũng cũng sẻ đẩy mạnh tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, để đến năm 2025 tỉnh Bình Định cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. “Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trường học và chính quyền địa phương để nhân rộng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục đưa nội dung giáo dục giới tính, tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào tuyên truyền, giáo dục trong các trường dân tộc nội trú, bán trú; góp phần nâng cao ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, nhất là học sinh vùng DTTS”, ông Lung thông tin

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Định tuyên truyền nâng cao nhận thức, nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO