Ngày 1/9, tỉnh Bình Dương đã có buổi cung cấp thông tin báo chí về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đưa ra nhiều nội dung quan trọng về diễn biến dịch, các giải pháp và công tác an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chung tay cùng địa phương chiến thắng đại dịch
Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương cho biết, trong đợt dịch lần 4, Bình Dương đã ghi nhận 114.788 ca nhiễm Covid-19 ở 9/9 huyện, thị và thành phố thuộc tỉnh. Toàn tỉnh Bình Dương có 26 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 16.942 bệnh nhân.
Số bệnh nhân đang được điều trị là 53.505 người, trong đó có 231 phụ nữ mang thai, 472 người già trên 65 tuổi, 792 trẻ em dưới 15 tuổi, 780 người có bệnh nền. Đã có 61.278 người được điều trị khỏi bệnh, xuất viện, có 897 bệnh nhân tử vong do Covid-19. Tỉnh Bình Dương hiện còn 1.354 khu vực phong tỏa với hơn 126 ngàn người; 43.970 người đang cách ly tập trung; 7.726 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 11.105 bệnh nhân F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, dự báo số ca mắc sẽ tăng lên 150.000 người, UBND tỉnh Bình Dương quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và TX Bến Cát, Tân Uyên từ 0h ngày 1/9 đến hết ngày 15/9.
Tỉnh cũng thực hiện áp dụng hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động trong khung thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Đồng thời,tiếp tục thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo biện pháp "khoá chặt" trên địa bàn 15 phường thuộc các TP Thuận An, Dĩ An và TX Tân Uyên trong thời gian nêu trên.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tiếp tục đưa các thông tin chính thống về hình hình dịch bệnh, tuyên truyền việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh trong bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay để tạo sự đồng thuận xã hội, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh, động viên người dân tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đến lượt và chung tay cùng địa phương chiến thắng đại dịch.
Nói về mục tiêu đến ngày 15/9, tỉnh Bình Dương đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường mới, ông Nguyễn Hoàng Thao chia sẻ, đây là khoảng thời gian cả hệ thống chính trị phải nỗ lực hết mình, huy động các biện pháp chiến lược để chống dịch hiệu quả với các bước đi vững chắc, hiệu quả mà tỉnh đã đề ra.
“Với phương châm “lấy xã phường làm pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ trên mặt trận”, thời gian qua tỉnh luôn củng cố, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu về tuyến cơ sở. Đối với cấp tỉnh, các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách kiểm tra “vùng đỏ”, còn cấp huyện thì tăng cường kiểm tra, giám sát cấp xã. Tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động cũng được kiện toàn, tăng cường hoạt động về cơ sở bám dân, gắn với dân, đưa dịch vụ y tế tiếp cận gần hơn với người dân”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương thông tin.
Ông Thao cho biết, tỉnh quyết định thực hiện chiến lược quét xét nghiệm nhiều lần để bóc toàn bộ F0 tại các khu nhà trọ để đưa đi cách ly, điều trị. Trong lúc thực hiện xét nghiệm, giãn cách rất cần sự đồng thuận của người dân. Về vắc xin, tỉnh sẽ tiến hành triển khai tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã trả lời báo chí xung quanh việc bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 bệnh viện, phòng khám từ chối. Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã vào cuộc xác minh để xử lý vụ việc. Bước đầu nhận thấy các cơ sở y tế liên quan trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, Trung tâm y tế TP.Dĩ An chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc tiếp nhận, thu dung, khám, cấp cứu điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Các phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 và Bệnh viện An Phú không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và tổ chức hướng dẫn cấp cứu, thăm khám điều trị các bệnh nhân là chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh ủy, UBND tỉnh, vi phạm khoản 1 điều 76 Luật Khám chữa bệnh.
Đối với Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng tiếp nhận ca bệnh cấp cứu nhưng cho rằng vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên, không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng (cơ sở báo xe cấp cứu đã được trưng dụng cho hoạt động phòng, chống dịch). Hành vi trên đã vi phạm các điều 32, điều 52, điều 54 Luật Khám chữa bệnh.
Bệnh viện Quân Y 4 sau khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu đã không tổ chức cấp cứu, không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến theo quy định mà yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Hành vi vi phạm các quy định tại các điều điều 32, điều 52, điều 54 Luật Khám chữa bệnh.
Liên quan tới vụ việc shipper tại TP Dĩ An bị lực lượng trực chốt đòi tiền, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, vào ngày 16/8, anh H. T. Đ. là shipper đi giao hàng tại chốt kiểm soát dịch giao nhau giữa đường Thống Nhất và Quốc lộ 1K, phường Bình An, TP Dĩ An. Anh Đ. có giấy xét nghiệm âm tính nhưng lực lượng tại chốt phát hiện có chỉnh sửa ngày tháng nên đã mời anh Đ. về Công an phường Bình An để xử lý.
Trên đường đi, anh Đ. bị ông T.V.C., tổ phó chốt đe dọa nếu không muốn bỏ tù thì phải đưa 2 triệu đồng. Anh Đ. đồng ý đưa tiền nhưng không có tiền mặt nên nhờ bạn chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản của ông C. Sau khi nhận tiền, ông C. cho anh Đ. đi, không bàn giao cho Công an phường Bình An xử lý.
Ông C. thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật và tự nguyện trả lại số tiền trên cho anh Đ. Hành vi của ông C. đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”. Do tình hình dịch trên địa bàn TP Dĩ An đang diễn biến phức tạp, ông C. phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn nên cơ quan chức năng cho ông C. tại ngoại trong quá trình điều tra.
1.340 tỷ đồng lo an sinh xã hội
Cũng trong đợt dịch này, tỉnh Bình Dương đã chi số tiền hơn 1.340 tỷ đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, có 287.543 người được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền 413,06 tỷ đồng. Có 1.140.714 người được hỗ trợ tiền thuê phòng trọ, với mức 300.000 đồng/người, tổng số tiền trên 342 tỷ đồng và 1.170.739 người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ lương thực, thực phẩm với mức 500.000 đồng/người, tổng số tiền chi là 585,369 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cũng được triển khai. Số đơn vị được giảm mức đóng là 14.371 đơn vị có 1.015.544 lượt lao động, với số tiền là hơn 433 tỷ đồng. Về chính sách vay trả lương ngừng việc, tỉnh Bình Dương đã giải ngân cho 2 đơn vị sử dụng lao động (243 lao động) vay với số tiền là 1.74 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/8/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ với tổng số tiền trên 510 tỷ đồng, gồm: Trên 218,5 tỷ đồng tiền mặt; hiện vật gồm vật tư y tế, trang thiết bị y tế, hàng hóa thực phẩm trị giá trên 291,6 tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ cho gần 114.000 trường hợp (người thuộc trường hợp F0, F1, F2 và công nhân lao động khó khăn, cán bộ công đoàn chuyên trách) với tổng số tiền khoảng 92 tỷ đồng; 31 trường hợp tử vong với số tiền là 310 triệu đồng; 3 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ với số tiền gần 1,7 tỷ đồng; 98 đơn vị tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền là 2,88 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã chú trọng cung ứng lượng thực cho 15 phường thực hiện đông “cứng, khoá chặt” trên địa bàn Thuận An, Tân Uyên, Dĩ An Để đảm bảo trao hàng hóa thiết yếu tới người dân ở địa bàn có nguy cơ rất cao đang thực hiện giãn cách xã hội theo phương châm “khóa chặt, đông cứng” phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch.