Cùng với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đang là một trong hai “điểm nóng” nhất về dịch Covid-19 ở khu vực phía Nam.
Số ca nhiễm đang tăng ở mức cao, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ làm hết sức mình để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nhiệm vụ khó nhưng phải vượt qua
Theo Tiểu Ban thông tin truyền thông, hiện Bình Dương đang tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian này, tỉnh thực hiện 9 nhóm giải pháp trọng tâm và huy động tổng lực lượng, tận dụng thời gian vàng để khống chế dịch bệnh.
Thông tin thêm về năng lực chống dịch của ngành y tế, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện nay, ngành y tế đang thiếu nhân lực trầm trọng, ngành y tế nói riêng và lực lượng tuyến đầu đang trong tình trạng siêu quá tải với số bệnh nhân Covid-19 tăng gấp 8 đến 9 lần so với bệnh nhân thường trước kia.
“Do đó, mỗi cán bộ nhân viên y tế làm việc gấp 5 gấp 10 lần, nhiều cán bộ y, bác sĩ 2, 3 tháng qua không được về nhà, có những cán bộ y, bác sĩ tuyến đầu đã nhiễm bệnh. Hiện ngành y tế đang đẩy mạnh các giải pháp như xét nghiệm diện rộng, tăng năng lực điều trị, tích cực tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn tỉnh” - ông Chương cho biết.
Liên quan đến tình trạng lây nhiễm trong công nhân lao động, ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho hay, qua 2 đợt xét nghiệm sàng lọc trong công nhân, tỷ lệ lây nhiễm trong công nhân đã giảm rất nhiều, chiếm tỷ lệ 0,155%. Hiện nay, có 291 doanh nghiệp xin thôi tham gia mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, tỉnh Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ vaccine phòng Covid-19 với số lượng 544.060 liều (từ đợt 1 đến đợt 16). Trên cơ sở phân bổ của Bộ Y tế, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vaccine với năng lực thực hiện hơn 100.000 liều/ngày.
Ngày 14/8, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 20 và 21; theo đó, tỉnh Bình Dương được phân bổ 250.000 liều vaccine Astra Zeneca và 15.210 liều vaccine Pfizer. Tỉnh huy động mọi nguồn lực để triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất (dự kiến triển khai trong vòng 3 ngày).
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã có xấp xỉ 50 ngàn ca mắc Covid-19, trong đó 40 ca nhập cảnh. Hiện tỉnh có 24 khu điều trị bệnh nhân Covid-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho gần 18.000 bệnh nhân.
Khóa chặt “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện địa phương đã chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong mọi tình huống. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương mong muốn doanh nghiệp (DN) và nhân dân đồng lòng cùng với địa phương để sớm dập được dịch bệnh.
“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, buộc phải đưa ra những quy định nghiêm ngặt để kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan. Do đó, sẽ có những bất tiện, khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi mong nhận được sự đồng lòng, chấp hành tốt quy định phòng dịch của nhân dân” - ông Minh bày tỏ đồng thời khẳng định sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ người dân để cùng vượt qua khó khăn.
Trong buổi họp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn ra chưa từng có trong tiền lệ, với nhiều khó khăn thách thức, trường học, nhà xưởng trở thành nơi chống dịch…
Về vấn đề vaccine, ông Thao khẳng định việc phân bổ luôn đảm bảo nguyên tắc công bằng theo tiêu chí ưu tiên vùng có nguy cơ cao, đối tượng tiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và mở rộng thêm cho lực lượng công nhân lao động ở DN 3 tại chỗ.
Trong triển khai các gói an sinh, xã hội, tỉnh quyết tâm đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành chi trả các gói hỗ trợ cho các nhóm đối tượng. Hiện lực lượng chi viện cho tỉnh khoảng 4.000 người nhưng sắp hết thời gian tham gia tình nguyện. Vì thế, tỉnh Bình Dương thực hiện chiến lược phát huy nội lực tại chỗ, huy động cán bộ, công chức, viên chức tham gia chống dịch. Trước mắt, tỉnh làm việc với Bộ Y tế và các tỉnh thành khác tiếp tục giữ chân lực lượng y tế để giúp tỉnh trong công tác điều trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tỉnh đặt vấn đề an toàn trong mô hình “3 tại chỗ” với nguyên tắc “3T” (ăn tại chỗ, ở tại chỗ, an toàn tại chỗ). Đối với DN an toàn, tỉnh sẽ phân để bảo đảm chuỗi cung ứng sản suất. Do đó, những DN đã đăng ký nhưng không bảo đảm an toàn tỉnh sẵn sàng loại trừ để không lây nhiễm bệnh trong các khu công nghiệp.
“Hiện cả hệ thống chính trị đang quyết tâm chống dịch với tinh thần cao nhất, phấn đấu đến đầu tháng 9 tỉnh cơ bản khống chế được dịch, khóa chặt “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” an toàn, dần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở về trạng thái bình thường mới” - ông Thao nói.