Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Bình ổn quỹ bình ổn

Ngọc Quang 11/01/2024 08:17

Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra quản lý xăng dầu đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền với những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có vấn đề sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường.

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.

Bộ Công thương cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc đối với các thương nhân đầu mối… khi để xảy ra thiếu xăng dầu trong thời gian qua; trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG), kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG khi để các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích quỹ này.

Từ lâu, đã có nhiều dư luận về Quỹ BOG cũng như thuế bảo vệ môi trường. Tại nghị trường, nhiều lần, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề này. Không ít ý kiến đã cảnh báo về nguy cơ trục lợi Quỹ BOG và thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát ngân sách và tổn hại lợi ích người tiêu dùng.; cần làm rõ và có biện pháp xử lý.

Riêng với Quỹ BOG, ý kiến chuyên gia cho rằng rất bất hợp lý, thậm chí là nguy hại khi giao cho doanh nghiệp quản lý vì chỉ cần vài chiêu phù phép, nguồn tiền từ quỹ này có thể chảy sai địa chỉ, hoặc là dùng sai mục đích.

Một số ý kiến “thẳng thắn” còn lên tiếng đề nghị giải tán Quỹ BOG. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất phương án giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu với lý giải "đây vẫn là công cụ để nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành". Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân), Quỹ BOG hoạt động dựa theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau, do đó không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Nhà điều hành cũng không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai dẫn đến việc quỹ bình ổn có thể lại gây ra bất ổn; vì rằng nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn.

Vậy, đã đến lúc bỏ Quỹ BOG chưa? Dù không kém bức xúc nhưng nhiều ý kiến cho rằng “chưa đến lúc” làm điều đó. Vấn đề là phải công khai, minh bạch khi trích lập và chi ra để bình ổn giá xăng dầu. Một việc rất quan trọng là cần cân nhắc có nên để Quỹ BOG tại doanh nghiệp hay không.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho là không nên, mà cần đưa về cơ quan quản lý nhà nước.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý 2/2023, có 4 doanh nghiệp đầu mối bị thanh tra đang nắm giữ hàng trăm tỷ đồng từ QBO. Một thống kê khác cho thấy, tính đến ngày 31/7/2023, số dư Quỹ BOG đã đạt tới 7.438 tỷ đồng; tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022. Quỹ tăng mạnh nhờ cơ quan quản lý liên tục trích lập và hầu như không chi sử dụng quỹ.

Một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, thực tế quỹ nằm ở doanh nghiệp và định kỳ doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quản lý số tiền thực còn trong quỹ là khó khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể rút ra để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác. Quỹ càng lớn, lợi nhuận cho doanh nghiệp càng lớn khi có thể “mượn tạm” để làm vốn kinh doanh, không phải vay ngân hàng.

Vì vậy, bỏ hay không bỏ Quỹ BOG thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là giám sát, kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp khi họ nắm giữ một lượng tiền lớn từ việc kinh doanh xăng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình ổn quỹ bình ổn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO