Ngày 27/7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ tuyên dương người có công, thương binh tiêu biểu, vượt khó làm kinh tế giỏi năm 2022 nhân dịp kỷ 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Dự Lễ biểu dương có ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Huỳnh Thị Hằng, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công tiêu biểu.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND, lão thành cách mạng, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Bà Hiền cho biết, trong chiến tranh quê hương Bình Phước là địa bàn chiến lược trải qua nhiều hy sinh, gian khổ nhưng các thế hệ cha anh luôn kiên cường, bất khuất cùng với quân, dân cả nước quyết tâm đánh đổ cường quyền để mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, làm nên những chiến tích oai hùng như “Đồng Xoài rực lửa chiến công”, “Bình Long mùa hè đỏ lửa”, “Phước Long xây chiến thắng”…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định, lịch sử cách mạng tỉnh nhà mãi mãi biết ơn và ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì quê hương, đất nước. Dũng khí cách mạng kiên trung bất khuất. Họ là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã vận động xây dựng và sửa chữa 684 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng; tặng 167 sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức, giải quyết điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho 10.575 lượt người có công. Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời 49 người có công, trong đó có 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với mức 1,5 triệu đồng/tháng.
Nhờ đó, đến nay Bình Phước không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo; 100% gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Tiêu biểu có cựu chiến binh Đào Đức Cường là thương binh ¾ đang sinh sống tại ấp 1, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh. Bằng nghị lực, ý chí của người lính Cụ Hồ, gia đình ông đã không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Với tinh thần tương thân tương ái, ông đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho quỹ phúc lợi của địa phương và ủng hộ xây dựng nhà bia tưởng niệm xã Lộc Hưng.
Trường hợp ông Lê Bá Phán là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đang sinh sống tại thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng. Ông có 3 người con đều bị nhiễm chất độc da cam do ảnh hưởng từ cha. Tuy nhiên, bằng nghị lực vượt khó vươn lên, hiện gia đình ông có thu nhập khá; tham gia tích cực các phong trào tại địa phương.
Thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch, đồng thời ủng hộ tiền, gạo và nhu yếu phẩm khác cho các hộ khó khăn.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Bên là bệnh binh 2/3 đang sinh sống tại ấp 5, xã An Khương, huyện Hớn Quản, cũng là tấm gương điển hình vượt khó, làm kinh tế giỏi, nuôi con thành đạt.
Hằng năm, gia đình ông tích cực tham gia các phong trào của địa phương như đóng góp xây dựng nông thôn mới 63 triệu đồng; tặng quà gia đình chính sách, người có công và tham gia tổ chức vận động, ủng hộ xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã An Khương.
Dịp này, UBND tỉnh Bình Phước đã tuyên dương và trao tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 11 gương người có công đóng góp tích cực cho phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".
Ngoài ra, tại buổi lễ, Tỉnh ủy Bình Phước tặng quà tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công tiêu biểu, các em học sinh, sinh viên là con của người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.