Phải tạm gác lại nhiều công việc dang dở, chỉ quanh quẩn trong phạm vi được phép, trẻ con không được đến trường, người lớn không làm việc… Đó là cuộc sống của những người dân ở những khu cách ly thời Covid-19.
Người dân Sơn Lôi sau những ngày phong tỏa.
Sống chậm giữa guồng quay hối hả nơi phố thị
Hai từ “cách ly”, là những từ được dùng rất nhiều trong những ngày gần đây. Dù muốn hay không, nếu khu dân cư của bạn chẳng may có người dương tính với Covid-19, có nguy cơ lan ra cộng đồng, bạn phải chấp nhận “ở yên một chỗ” khi đất nước cần. Ban đầu khi nghe tới “cách ly”, nhiều người có chút hoảng hốt, lo ngại cuộc sống thiếu thốn, tù túng. Nhưng có đến những khu “cách ly” vào những ngày này để nghe “tâm sự” của những người trong vùng bị “phong tỏa” mới thấy cuộc sống của những người dân khu vực cách ly bình yên như bao khu dân cư khác.
Theo nhiều người dân ở khu cách ly Trúc Bạch, cuộc sống vẫn bình thường tiếp diễn như mọi ngày. Đó giống như những ngày nghỉ được kéo dài ra... Anh Long, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Trúc Bạch cho biết, cá nhân anh không còn tất bật với công việc. Ăn sáng xong, anh kê chiếc ghế đẩu ra vỉa hè ngồi đánh cờ cùng những người hàng xóm. Gần đó, ông Nguyễn Tấn Ninh, bố anh chậm rãi đi bộ tập thể dục từ đầu đến cuối phố. Nghỉ chân, ông Ninh bước vào khu vực vườn hoa giữa phố, nơi có vài đứa trẻ của khu cách ly đang đạp xe, chuyền bóng. Nhìn từ ngoài vào, trừ dây chăng barie ngăn cách, khu cách ly phố Trúc Bạch có nhịp sống yên bình, thảnh thơi như bao buổi chiều ngày nghỉ khác.
Bà Hoàng Diễm Tuyết (số nhà 131 phố Trúc Bạch) chia sẻ, đã lâu rồi gia đình mới có một nhịp sống chậm rãi, bình yên lâu đến thế. Mọi ngày cứ sáng dậy thì người tất bật dậy sớm đi làm, người đi học, giờ quây quần ở nhà cả. Chúng tôi cứ đùa nhau, đây là kỳ nghỉ tết kéo dài nhất từ trước tới nay. Nhiều lúc cũng thấy sốt ruột vì một số việc chưa làm được. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy rằng rất hiếm mới có cơ hội gia đình được quây quần, chăm lo cho nhau trong thời gian dài thế này, nghĩ thể mới thấy cuộc sống ở khu cách ly không đến nỗi tệ.
Bà Hoàng Diễm Tuyết cũng cho biết, cá nhân bà bị mắc nhiều bệnh nguy hiểm như mỡ máu, huyết áp, tiểu đường nặng, hàng ngày phải 4 lần tiêm, không may bị hết thuốc nên rất lo lắng. Tuy nhiên, UBND phường Trúc Bạch đã kịp thời cử lực lượng y tế đưa máu đi xét nghiệm và được lĩnh thuốc đầy đủ về điều trị. “Trong khu cách ly, tôi thấy còn an toàn hơn ở ngoài”- bà Tuyết nói.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, ông Nguyễn Dân Huy cho biết: “Ngay sau khi công bố dịch, phường đã phối hợp với cơ quan chức năng của quận Ba Đình tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt, rau củ, quả đến từng hộ dân. Khám sức khỏe, đo thân nhiệt 2 lần/hàng ngày cho người dân. Cán bộ, nhân dân đồng lòng, tin tưởng và thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch”. Đồng lòng, tin tưởng là cảm xúc chung của người dân và cán bộ phường Trúc Bạch những ngày này bởi họ biết, nếu đất nước cần họ ở yên một chỗ để Hà Nội và đất nước bình yên, họ luôn sẵn sàng.
Cuộc sống bình yên của người dân Trúc Bạch trong những ngày cách ly chống sự lây lan của Covid-19.
Cách ly như là đi… an dưỡng
Tại một khu cách ly tập trung khác nằm ở doanh trại của một đơn vị quân đội tại Hưng Yên, anh Nguyễn Đình Tiến (SN 1984, ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là lao động Hàn Quốc từ năm 2015 về Việt Nam) chia sẻ lên mạng xã hội rằng sau khi khai báo y tế, anh được đưa từ sân bay Nội Bài về đây từ ngày 29/2.
“Cuộc sống ở nơi cách ly không thiếu thốn gì, chúng tôi được phục vụ cơm canh, hoa quả tráng miệng và cả sữa, đầy đủ dinh dưỡng, nóng sốt, ngon lành. Hàng ngày, chúng tôi được kiểm tra sức khoẻ, được tập thể dục. Nói chung là rất chu đáo và yên tâm, mọi thứ đều được miễn phí 100%”- anh Tiến nói. Đặc biệt ở khu cách ly mạng intenet rất khoẻ. Cá nhân anh đã nhắn tin về gia đình, khi biết cuộc sống ở khu vực cách ly được mọi người chăm sóc tận tình, gia đình yên tâm không còn lo lắng và suy nghĩ nhiều như khi anh còn ở bên Hàn Quốc.
Thùy Dung, 28 tuổi nữ thạc sĩ Luật quốc tế, Đại học Hanyang ở Seoul, Hàn Quốc cũng thuộc diện bị cách ly dịp này. “Tôi không thể đặt vé về Hà Nội và buộc phải đi từ sân bay Incheon đáp ở TP Hồ Chí Minh và sẽ được cách ly ở đây, đang hoang mang, lo lắng, nhưng trước cách ứng xử “dịu dàng, điềm đạm và thân thiện” của nhân viên y tế mặt đất khiến tôi cảm thấy yêu quê hương mình không chịu nổi”- Dung nói.
Trước khi vào khu cách ly, Dung hoang mang không biết hai tuần tới sẽ ra sao nhưng sau đó yên tâm khi “công tác phòng dịch rất chặt chẽ nhưng những người phục vụ mềm mỏng, dễ thương”. Cô được phát một số đồ dùng cá nhân như khăn tắm, khăn mặt và bàn chải đánh răng. Dung ở trong căn phòng khép kín, trang bị tivi, wifi, và có “giàn hoa nên thơ” ngoài cửa. Cô nàng cảm động vì “trong khi bao nhiêu người đang sống trong lo lắng không được chữa kịp thời, cách ly nằm la liệt nơi xứ người, thì giờ đây cô được bình yên nơi đất mẹ, sống trong tình yêu thương bao bọc của bao người.
Kết thúc 20 ngày cách ly vì dịch Covid-19 với người dân xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc thì đây là khoảnh khắc vui hơn đón giao thừa. Họ mong chờ khoảnh khắc ấy là bởi 20 ngày cách ly đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ. Nhiều hàng quán đóng cửa, giao thương bị ngưng trệ, hoạt động đi lại bị hạn chế… Thế nhưng cảm nhận được sự cố gắng, quyết liệt của cơ quan chức năng trong nỗ lực ngăn chặn, phòng ngừa dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe cho người dân người dân Sơn Lôi đã nỗ lực, chung tay cùng chính quyền trong việc ngăn chặn sự lan truyền của virus. Chính sự đồng thuận của người dân Sơn Lôi trở thành kinh nghiệm, cách làm hay cho các địa phương khác trong việc chặn sự lây lan của Covid-19 ra cộng đồng những ngày qua.
Ông Nguyễn Như Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lôi cho biết, hiện chính quyền đã và đang triển khai các phương án giúp người dân trở lại với cuộc sống bình thường sau thời gian cách ly. Ông Tâm cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện, tỉnh đã có phương án giúp người dân. Việc chống dịch Covid-19 không chỉ nguyên xã mà toàn tỉnh, toàn huyện đều chung tay, đồng bộ từ trên xuống, nhờ vậy, người dân Sơn Lôi đã góp sức cùng đất nước chiến thắng trận đầu trong phòng chống Covid-19 hiện nay.