Dòng họ, rồi đến thôn có chung họ và làng chung họ vốn là mô hình tạo ra những bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao trong đó có Hà Giang. Bằng việc động viên và khích lệ phát huy tự quản của các dòng họ mà nhiều cộng đồng dân cư trong đó nhiều thôn ở xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có một thế trận an ninh vững chắc để duy trì bình yên cho xóm làng mình.
Phát huy sức mạnh dòng họ đã đem đến cho thôn Bành Văn 1 những bình yên.
Đến thôn Bành Văn 1, xã Bản Luốc nhiều người sẽ có một cảm nhận chung về bình yên nơi đây. Để có kết quả này phải kể đến sự đóng góp từ mô hình “Họ Đặng tự quản” về an ninh trật tự (ANTT). Thôn Bành Văn 1 cách trung tâm xã Bản Luốc 4 km, địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống. Do vậy, rất khó khăn cho việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế của nhân dân, cũng như công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn.
Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2013 - 2020” gắn với Thông tư số 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an, Công an xã đã chủ động tham mưu cho UBND xã xây dựng các chương trình, kế hoạch khảo sát, xây dựng các mô hình đảm bảo ANTT ở địa bàn. Tháng 8-2016, UBND xã đã ra quyết định thành lập mô hình điểm “Họ Đặng tự quản” về ANTT tại thôn Bành Văn 1. Với khẩu hiệu “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn”, khi có vụ việc xảy ra sẽ sử dụng tiếng mõ báo hiệu, sử dụng gậy, dây trói để truy bắt đối tượng vi phạm. Đến tháng 10-2016, mô hình được ra mắt với 37 gia đình họ Đặng trong thôn ký cam kết đảm bảo ANTT, các thành viên hoạt động theo nội quy, quy chế, quy ước được đề ra.
Mô hình “Họ Đặng tự quản” về ANTT chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy xã, chi bộ thôn, sự quản lý, điều hành của UBND xã, trưởng thôn và hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn nghiệp vụ của Công an xã. Mọi hoạt động của mô hình đảm bảo nguyên tắc công khai, đúng pháp luật; định kỳ hàng tháng các thành viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi họp để thông báo tình hình liên quan đến ANTT, qua đó nắm bắt, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của quần chúng nhân dân.
Từ khi được thành lập đến nay, các thành viên của mô hình đã chủ động nắm tình hình, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kịp thời phản ánh đến cơ quan Công an và UBND xã. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở thôn làm tốt công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; vận động nhân dân tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Qua một năm hoạt động, mô hình “Họ Đặng tự quản” về ANTT tại thôn đã tham gia tích cực trong việc giữ gìn ANTT. Các thành viên đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân được 10 buổi với gần 1.600 lượt người nghe. Vận động người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở. Trong năm qua, quần chúng nhân dân đã phát hiện, cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến công tác đảm bảo ANTT.
Đặc biệt, trong các cuộc họp của dòng họ, các thành viên luôn giáo dục, nhắc nhở con cháu chấp hành tốt các quy định về hộ tịch, hộ khẩu, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, súng săn tự chế, tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông, phòng cháy, chữa cháy... Qua đó, nâng cao ý thức cho quần chúng nhân dân, góp phần kiềm chế các loại tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn.