Việc quản lý các sản phẩm điện ảnh trên không gian mạng đang đối mặt với vô số thách thức. Bên cạnh tình trạng vi phạm bản quyền thì việc kiểm soát, phân loại các bộ phim cũng rất khó khăn…
Điêu đứng vì phim lậu
Luật Điện ảnh 2022 được đánh giá là khá hoàn thiện, các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh đã và đang được các bên khai thác sử dụng tác phẩm tuân thủ thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh dưới dạng các bản sao chép không được phép của chủ thể đối với phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình vẫn đang xảy ra, đặc biệt là vi phạm trên môi trường Internet.
Đặc biệt là tình trạng phim chiếu rạp bị livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất hoặc phim chiếu rạp. Các hành vi xâm phạm quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm, cho đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm…
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng chính là tình trạng vi phạm bản quyền trên những trang phim lậu. Không gian mạng đang tồn tại hàng trăm trang website lậu, cung cấp nội dung không có bản quyền nhưng thu hút lượng người xem rất cao. Các website phim lậu thường cập nhật sớm nhất các bộ phim vừa công chiếu, thậm chí có những bộ phim bị cấm chiếu cũng được công chiếu trên các trang này. Phần lớn phim đều vi phạm bản quyền như chưa mua bản quyền hay không được phép từ nhà sản xuất. Nguồn nuôi sống các trang web này là quảng cáo, trong đó có rất nhiều quảng cáo cho các dịch vụ bị cấm kinh doanh tại Việt Nam như quảng cáo cờ bạc, cá độ bóng đá, quảng cáo liên quan đến game không phép, game lậu…
Phó Giám đốc Công ty Phát triển dịch vụ truyền hình MyTV Hoàng Thị Bích Hà cho biết, vi phạm bản quyền phim ảnh một cách tràn lan đang trở thành gánh nặng, ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp trong nước kinh doanh phim trên không gian mạng một cách chính thống. Một lượng lớn người dùng thường xuyên truy cập các trang phim lậu, dẫn đến hạn chế nhu cầu xem đối với các nhà cung cấp phim trên không gian mạng đang hoạt động hợp pháp.
“Mặc dù có chế tài xử phạt hành chính theo quy định của luật pháp, tuy nhiên việc xử lý các trang website chiếu phim lậu gặp nhiều khó khăn vì các trang phim lậu hoạt động phức tạp, ẩn giấu thông tin, thay đổi tên miền khi bị chặn hoặc gắn link dẫn sang trang web giả mạo, đe dọa bảo mật… Các biện pháp chặn truy cập vẫn tồn tại một số bất cập về biện pháp và thời gian chặn của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, cũng như chưa có giải pháp linh hoạt xử lý khi các trang phim lậu liên tục đổi tên miền mới”- bà Hà cho biết.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thời gian qua, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tổ chức, cá nhân; phối hợp với Cục Điện ảnh chấn chỉnh một số doanh nghiệp phổ biến phim có dấu hiệu vi phạm Luật Điện ảnh, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng chuyên cung cấp các giải pháp kết nối mạng toàn cầu như Google, Cloudflare triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn truy cập 2.763 website, 3.611 link có nội dung vi phạm, trong đó có website tác phẩm điện ảnh.
Tạo “tường lửa” bảo vệ
Có thể nói, những sai phạm trên không gian mạng ở lĩnh vực điện ảnh giờ đây đã trở thành vấn nạn, ở mức báo động. Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng cho biết, có đến trên 80% phim Việt từng chiếu rạp, sau đó phát hành trên các ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến OTT bị phát tán trái phép trên mạng. Đây là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà sản xuất phim tại Việt Nam. Ngoài ra, phim Việt còn bị sao chép, cắt xén, review, livestream... trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến nền điện ảnh Việt Nam, cũng như cá nhân, tổ chức sở hữu bản quyền phim.
Thực tế cho thấy việc quản lý phim trên không gian mạng chưa bao giờ là công việc dễ dàng với số lượng phim lớn, tốc độ gia tăng nhanh chóng của loại hình này. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cho biết, quản lý nhà nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức do kinh nghiệm còn hạn chế, thiết bị hỗ trợ chưa hiệu quả, công tác phối hợp liên ngành còn nhiều bất cập.
Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, việc quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng hiện không chỉ là kiểm soát nội dung, mà còn là quản lý thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, những chi phí người xem phải chi trả. Nhức nhối hơn cả là sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm về văn hóa, sai lệch lịch sử, vi phạm bản quyền…
“Nhân lực làm công tác thẩm định và phân loại phim cần phải có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm không chỉ về văn hóa, chính trị, xã hội… mà còn phải có trình độ về công nghệ. Nhưng số lượng chuyên gia trong lĩnh vực này không nhiều nên cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh thường đối mặt với áp lực lớn về khối lượng công việc” - ông Việt bày tỏ.
Một số ý kiến cho rằng, vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng cần được cụ thể bằng các điều luật, quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa. Cụ thể bao nhiêu thì càng hạn chế được những tác hại, mặt tiêu cực mà không gian mạng mang lại, trong đó có lĩnh vực phổ biến phim. Việc xây dựng các điều luật cũng giúp cho các đơn vị sáng tạo nội dung, vận hành phổ biến phim trên không gian mạng có nền tảng pháp lý để định hướng, điều tiết các hoạt động của mình. Luật càng cụ thể, dễ hiểu càng giúp các nghệ sĩ, các đơn vị phổ biến phim dễ vận hành.
Bên cạnh đó, mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần tự tạo sức “đề kháng” cũng như bày tỏ thái độ trước các nội dung xấu độc, nội dung rác, kém chất lượng... Có như vậy tình trạng trên mới được kiểm soát, hạn chế tối đa những vi phạm bản quyền trên các không gian mạng.
Một khảo sát do Cục Điện ảnh thực hiện tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, phương thức xem phim trực tuyến trên Internet được người dân lựa chọn lên tới 39,3%, trong khi xem phim trên truyền hình giảm xuống chỉ còn 35,6%, thấp nhất là xem phim tại rạp với 24,8%. Xu hướng này dần tăng lên khi hệ thống mạng Internet tốc độ cao ngày càng phát triển. Trước những thay đổi đó, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong và ngoài nước đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng như VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET, Apple TV, Disney Plus, WeTV…
Báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho thấy, thời gian qua, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tổ chức, cá nhân; phối hợp với Cục Điện ảnh chấn chỉnh một số doanh nghiệp phổ biến phim có dấu hiệu vi phạm Luật Điện ảnh, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng chuyên cung cấp các giải pháp kết nối mạng toàn cầu như Google, Cloudflare triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn truy cập 2.763 website, 3.611 link có nội dung vi phạm, trong đó có những website lậu đăng tải các tác phẩm điện ảnh.