Bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam nhiều năm qua liên tiếp bị triều cường tấn công gây sạt lở nghiêm trọng. Đáng nói, dù đã có nhiều hội thảo diễn ra và nhiều dự án được triển khai nhưng vẫn chưa thể hóa giải được tình trạng này.
Liên tiếp sạt lở
Hơn một tháng qua, anh Diệp Đình Thanh (phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) đã thuê người vận chuyển hơn 300 rọ đá được niềng chặt để đưa xuống bờ biển làm kè chống sạt lở.
Anh Thanh cho biết, dọc bờ biển ở khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An bị sạt lở nặng do triều cường tấn công. Vì thế người dân lo lắng khi mùa mưa bão đang về, nếu đoạn bờ biển này không được kè chắn, nguy cơ bờ biển xâm thực sâu vào trong đất liền sẽ đe dọa đến nhiều nhà cửa của các hộ dân sinh sống ở đây. Do đó, một số người dân đã tự bỏ tiền ra làm bờ kè tạm để cố gắng giữ cho nhà cửa an toàn.
“Bà con chúng tôi thuê nhân công làm rọ sắt, chất đầy đá hộc, sắp xếp chồng lên nhau dọc theo bờ biển bao quanh các ngôi nhà để chống lại sóng biển. Bờ kè này dài hơn 100m, cao hơn 1,5m, với tổng kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng. Chính quyền đã có nhiều dự án chống lại triều cường nhưng bờ biển vẫn sạt lở, sạt lở ngay trước nhà mình thì mình phải lo” - anh Thanh cho biết.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi cho thấy, hiện nay nhiều người dân ở khối phố Thịnh Mỹ thuê công nhân sắp các rọ đá thành bờ kè dài hàng trăm mét dọc bờ biển, nhằm hạn chế tình trạng xâm thực này. Cạnh đó, một số hộ dân còn mua cát chở về đổ vào các điểm sạt lở để cố gắng giữ mặt bằng mà mưu sinh.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sau 10 năm, khoảng 7km bờ biển Hội An bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, nhiều bờ biển sạt lở từ 3 - 5m mỗi năm. Biển xâm thực vào bờ lan rộng 5 - 6km về phía Tây Bắc và sâu vào đất liền, nhất là khu vực bãi tắm Cửa Đại thuộc hai phường Cửa Đại và Cẩm An.
Ứng phó tình trạng sạt lở
Để chống lại sạt lở bờ biển Hội An, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều công trình, trong đó những công trình cấp bách đã đem lại hiệu quả, nhưng bờ biển một số nơi vẫn bị triều cường tấn công, cần sự đầu tư bài bản, hiệu quả hơn nữa.
Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (BQL NNPTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết: Dự án Chống xói lở bảo vệ bền vững bờ biển Hội An được phê duyệt với tổng mức đầu tư của dự án là 42,0 triệu Euro, tương đương 982,239 tỷ đồng, đầu tư từ nguồn vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại và đối ứng ngân sách tỉnh. Thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm khôi phục, bảo vệ bờ biển phía Bắc Cửa Đại Hội An với chiều dài đoạn bờ biển cần được bảo vệ khoảng 4,5km. Ngoài ra, dự án đề xuất giải pháp phi công trình, quản lý tổng thể đường bờ tại khu vực này.
Hiện nay dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo ý kiến của Bộ Tài chính, đang hoàn thiện các thủ tục để trình Bộ Tài chính thẩm định phương án vay và cho vay lại, làm cơ sở đàm phán ký hiệp định với cơ quan phát triển Pháp (AFD); dự kiến năm 2024 triển khai thi công xây dựng.
Theo ông Tân, dự án này sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đem lại lợi ích lớn đối với kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam nói chung và khu vực Hội An nói riêng khi xem xét theo khía cạnh thu hút và phát triển du lịch dịch vụ, ổn định an sinh xã hội. Đồng thời, giảm thiểu thiệt hại các công trình hạ tầng du lịch ven biển do sạt lở bờ trong mùa mưa bão sau khi hoàn thành hệ thống công trình giảm sóng và kè bảo vệ bờ.
“Mỗi năm ngân sách nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân quản lý các nghỉ dưỡng đều phải chi khoản tiền rất lớn cho công tác chống xói lở bờ biển Hội An. Sau khi dự án được xây dựng xong sẽ giải quyết được tổng thể vấn đề nêu trên góp phần tiết kiệm được số tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Dự án sẽ tạo động lực phát triển du lịch, dịch vụ cho TP Hội An thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và của tỉnh Quảng Nam nói chung” - ông Tân cho biết.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đến các khu đô thị; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống dân cư. Bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp khắc phục, bước đầu phát huy được hiệu quả. Nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, mới chỉ triển khai thực hiện khoảng 1,7/6 km bờ biển cần được bảo vệ”.