Bọ cạp

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Wikipedia The Sun) 25/07/2017 08:30

Bọ cạp có 8 chân, là động vật không xương sống. Chúng nguy hại bởi chiếc đuôi có móc độc. Chính vì thế, từ xa xưa, bọ cạp đã là một loài được cho là nguy hiểm đối với con người.

Bọ cạp Hoàng đế.

Đuôi bọ cạp gồm 6 đốt. Riêng đốt cuối cùng có một túi chứa, một cặp tuyến độc và một mũi tiêm nọc độc. Bao bọc cơ thể bọ cạp là lớp giáp cứng, không khác nào một bộ áo giáp chống lại sự tấn công từ bên ngoài. Cũng nhờ vào bộ giáp này mà bọ cạp trong tự nhiên sống rất “ung dung”. Như vậy, hai vũ khí quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh sinh tồn của bọ cạp chính là nhờ bộ giáp và móc đuôi chứa nọc độc. Tất cả các loài bọ cạp đều có độc làm hủy hoại thần kinh. Chúng dùng nọc độc để giết hoặc làm tê liệt con mồi một cách khá nhanh.

Stanker- loài bọ cạp có nọc độc ghê gớm.

Tuy nhiên, cũng ít người biết rằng, nọc độc của đa số loài bọ cạp vô hại đối với con người, tuy chúng gây ra các phản ứng như đau, tê cứng hay sưng phồng. Duy loài bọ cạp giết người nhiều nhất là Androctonus australis, hoặc loài bọ cạp đuôi béo Bắc Phi. Người bị chúng chích có thể chết sau vài ngày.

Nói chung, bọ cạp khá nhút nhát, chúng chỉ chích khi bắt mồi hay tự vệ. Trong trường hợp nguy hiểm, chúng thường bỏ chạy.

Bọ cạp cũng có cuộc sống riêng khá độc đáo. Ví dụ, chúng có hai loại nọc độc. Một loại nhẹ và một loại nặng. Khi chích con mồi, chúng có khả năng biết dùng loại nọc độc nào. Đó là khả năng trời phú. Chúng có thể giao phối quanh năm, không theo mùa như đại đa số các loài khác. Muốn giao phối, bao giờ bọ cạp đực cũng bắt đầu bằng những động tác nhảy múa để quyến rũ con cái. Người ta cũng cho rằng, hành động “tỏ tình” ấy đôi khi là để con cái yên lòng.

Bọ cạp non sống trên lưng bọ cạp mẹ.

Sau khi giao phối, bao giờ con đực cũng vội vã rút chạy, vì nếu chậm chân chúng sẽ bị chính bạn tình của mình giết chết.
Bọ cạp không đẻ trứng mà đẻ con. Bọ cạp non bao giờ cũng sống bám trên lưng mẹ cho tới khi chúng trải qua ít nhất một kỳ lột xác. Sau từ 5 đến 7 lần lột xác, bọ cạp mới trưởng thành. Khi lột xác xong, lớp giáp của chúng rất mềm và sẽ bị tổn thương. Nhưng quá trình làm cứng lại lớp giáp cũng diễn ra không lâu. Khi giáp trở nên cứng cáp sẽ có màu huỳnh quang.

Trong môi trường tự nhiên, một con bọ cạp sống được bao lâu? Tới nay vẫn không có câu trả lời chính xác. Người ta cho rằng, chúng có thể sống được từ 4 đến 25 năm. Đây là một khoảng cách rất rộng nên cũng không thể coi là chính xác. Ban ngày, bọ cạp sống trong hang hoặc nấp dưới những tán cây mát mẻ.

Ban đêm chúng mới đi kiếm mồi. Tuy rằng có bộ áp giáp chắc chắn, nhưng bọ cạp vẫn sợ các loài chim, rết, thằn lằn và chuột. Thức ăn chủ yếu của chúng là những động vật chân khớp nhỏ và sâu bọ.

Do hình dáng cổ quái và cấu tạo đặc biệt nên người ta hay gán cho bọ cạp những điều bản thân chúng không có. Ví dụ như người ta vẫn cho rằng bọ cạp tự sát bằng cách tự chích mình cho tới chết. Đó là điều không đúng bởi nọc độc của chúng miễn nhiễm với bản thân nó cũng như bất kỳ con bọ cạp nào cùng loại, trừ khi nọc độc bị tiêm thẳng vào hạch thần kinh.


Robot bọ cạp.

Cũng không ai thấy một con bọ cạp nào tự chích vào mình để tự sát cả. Với ý kiến cho rằng bọ cạp biết cách tấn công theo đàn, biết “dàn quân” Cách đây không lâu, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ tiếp một nhận một trường hợp bị bọ cạp cắn ở tay. Đó là một phụ nữ 59 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Trong trường hợp ấy cũng không cần truyền huyết thanh kháng độc, vì rằng các nghiên cứu cho biết, bọ cạp ở Việt Nam có độc tính không cao, nhiều người còn dùng bọ cạp ngâm rượu uống chữa chứng đau nhức. Vết chích của chúng cũng chỉ có khả năng gây sưng, nóng và đau nhức trong vòng 12 giờ, nhưng không dẫn đến chết người.

Bọ cạp được chế biến như một món đặc sản.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, nếu bị bọ cạp chích thì phải xử lý càng sớm càng tốt, nếu để quá 6 giờ thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ cao, đặc biệt với người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Khi bị bọ cạp chích cần nhanh chóng làm sạch vết thương, sát trùng, chườm lạnh để giảm sưng. Uống thuốc giảm đau như Aspirin, Paracetamol... và thuốc kháng Histamin H1 làm dịu như Phenergan, Chlorpheniram, Diphenhydramin. Cũng có thể dùng Corticosteroid, Dapson để cải thiện tổn thương da.

Một hình ảnh trong phim Vua bọ cạp.

Tại một số địa phương, người dân có thói quen uống rượu ngâm bọ cạp, vì cho rằng chúng sẽ tăng cường sức đề kháng của cơ thể, và nhất là tăng cường nam tính cho đàn ông. Nhưng các nghiên cứu cho rằng đó chỉ đơn thuần là “liệu pháp an thần” hơn là có tác dụng thật sự. Đáng chú ý, khi uống nhiều rượu ngâm bọ cạp một lúc, hoàn toàn có thể dẫn tới bị ngộ độc.

Tương tự, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên lạm dụng bọ cạp như một món đặc sản, bởi nọc độc trong cơ thể chúng khi dồn lại rất có thể tác động xấu đến hệ thần kinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bọ cạp