Theo Bộ Công thương, đề xuất quy định EVN được phép quyết định điều chỉnh giảm giá điện (không giới hạn tỷ lệ giảm), quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với qui định tại Luật Điện lực…
Ảnh minh họa.
Ngày 6/10, Bộ Công thương đã có văn bản chính thức trả lời một số nội dung về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TT.
Theo đó, về thời gian điều chỉnh giá bán điện, Bộ Công thương cho biết, các Bộ ngành và nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định, trong các năm tới việc quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm.
Mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên cũng được đánh giá là cao, mỗi lần tăng giá điện sẽ có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách an sinh xã hội.
Trên cơ sở các nhận định trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo quy định lại tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng.
Cụ thể, trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.
Đối với trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, căn cứ vào tình hình thực tế kinh tế - xã hội thực tế, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.
“Nếu sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - Bộ Công thương nhấn mạnh.
Theo Bộ Công thương, Dự thảo qui định mới đã được Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan theo đúng qui định. Dự thảo cũng đã được đăng tải rộng rãi trên trang web của Bộ Công Thương từ tháng 2/2016 để lấy ý kiến rộng rãi của các khách hàng sử dụng điện.
Dự thảo trên cũng đã được gửi để xin ý kiến các Bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam, các khách hàng sử dụng điện lớn như Tổng Công ty Xi măng, Tổng Công ty thép…
Về việc cho phép EVN được phép điều chỉnh giảm giá điện, quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công thương đưa ra quan điểm: Tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg trước đây, EVN đã được quy định được phép điều chỉnh giá bán điện sau khi đăng ký với Bộ Công Thương.
Tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg cũng quy định EVN được phép điều chỉnh giảm giá bán điện khi giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật thấp hơn giá bán bán điện bình quân hiện hành, quyết định tăng giá bán điện bình quân từ 7% đến dưới 10% sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận.
“Do vậy đề xuất quy định được phép quyết định điều chỉnh giảm giá điện (không giới hạn tỷ lệ giảm), quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với qui định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường” - văn bản của Bộ Công thương nêu rõ.
Cũng theo Bộ Công thương, một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong lần sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg là việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.