Bộ Công Thương trả lời về 20 hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền

Theo Baochinhphu 15/02/2017 14:09

Bộ Công Thương vừa có trả lời về dự thảo danh mục 20 hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền.


Phát hành tem bưu chính Việt Nam là ngành thực hiện độc quyền Nhà nước.

Cụ thể, Bộ Công Thương vừa công bố bản dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại. Ban hành kèm dự thảo Nghị định này là danh mục 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền như Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất vàng miếng; phát hành xổ số kiến thiết…

Theo Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định này nhằm quy định chi tiết thi hành khoản 4 điều 4 về “thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005 với quy định: “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.

Theo đó, Nghị định này được soạn thảo với mục đích tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về độc quyền Nhà nước, tuy nhiên lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Nghị định và danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo là không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền Nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.

Dựa trên kết quả rà soát, từ năm 2015, dự thảo danh mục đã được gửi để lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có liên quan; đồng thời được đăng tải trên website của Bộ Công Thương và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Dự thảo danh mục này cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Tại thời điểm trình Chính phủ vào tháng 12/2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, danh mục dự kiến bao gồm 19 loại hàng hóa, dịch vụ và chi tiết hoạt động thương mại cần áp dụng độc quyền Nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng", nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại danh mục lên thành 20.

Bộ Công Thương khẳng định: “Toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ được liệt kê tại danh mục đều là các loại hàng hóa, dịch vụ hiện đang áp dụng độc quyền Nhà nước, phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định là giới hạn phạm vi thực hiện độc quyền Nhà nước chỉ trong các lĩnh vực, địa bàn thiết yếu mà Nhà nước cần phải giữ độc quyền liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hay không có khả năng tham gia. Danh mục không mở rộng và cũng không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền Nhà nước ngoài các lĩnh vực đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”.

Về phạm vi độc quyền Nhà nước, Bộ Công Thương cho biết, độc quyền Nhà nước đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được quy định tại danh mục không phải được thực hiện đối với tất cả các hoạt động thương mại có liên quan tới hàng hóa, dịch vụ đó mà chỉ giới hạn trong một hoặc một số hoạt động thương mại cụ thể, phù hợp với chủ trương giới hạn phạm vi độc quyền Nhà nước và các quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được hướng dẫn việc thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, dự thảo Nghị định không cho phép các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp quy định hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại.

Về khả năng điều chỉnh giảm danh mục, Bộ Công Thương cho biết, danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định có thể được điều chỉnh giảm khi Luật và Pháp lệnh có liên quan cho phép.

Ngoài ra, theo trình tự luật định, danh mục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định cũng có thể được điều chỉnh giảm khi có đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh hoặc khi có đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực độc quyền Nhà nước được quy định tại danh mục này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công Thương trả lời về 20 hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền