Một mùa Xuân lại về với cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đắk Lắk. Đây cũng là thời điểm đánh dấu 50 năm lực lượng BĐBP tỉnh chiến đấu, xây dựng và trưởng thành dưới lá cờ Quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Vượt qua gian khổ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc
Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đắk Lắk có đường biên giới dài gần 72 km giáp với tỉnh Mondulkiri của Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh có 4 xã, 38 thôn, buôn, thuộc hai huyện biên giới (Buôn Đôn và Ea Súp), với dân số 6.720 hộ/23.419 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo trên 55,%; có 26 dân tộc cùng sinh sống.
Ngày 23/5/1975, chưa đầy 1 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, BĐBP tỉnh Đắk Lắk chính thức được thành lập. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều tập thể, cá nhân đã dũng cảm, kiên cường, bất khuất, như: Tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bu Prăng; cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Đá Bằng, Đồn Biên phòng Đắk Đam, Đồn Biên phòng Tuy Đức.
Đại tá Lê Xuân Đáng, nguyên Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Là một cán bộ trưởng thành từ người chiến sĩ, người lính binh nhì, 40 năm công hiến và trưởng thành trong lực lượng Công an vũ trang, lực lượng BĐBP Đắk Lắk với cấp hàm lúc nghỉ hưu là Đại tá, bản thân anh rất tự hào và vinh dự, nhưng cũng không quên những kỉ niệm về một thời gian khổ.
Năm 1978, anh là một trong 210 thanh niên của tỉnh Thái Bình gia nhập lực lượng Công an vũ trang Đắk Lắk. Lúc ấy chiến tranh biên giới phía Tây Nam vào giai đoạn cuối rất ác liệt. Tình hình biên giới Đắk Lắk- Mondunkiri rất nóng bỏng. Các tân binh đi máy bay từ Hà Nội vào sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột). Sau đó các anh tiếp tục hành quân vào Buôn Đôn huấn luyện ở Đại đội 19 (nay là Tiểu đoàn huấn luyện- cơ động). Sau 3 tháng huấn luyện, anh được biên chế về đồn Bu Prăng, tham gia đánh Pôn - pốt.
“Lúc đó tất cả các đồn biên phòng đều ở nhà âm, hầm được khoét sâu trong lòng đất để tránh pháo Pôn Pốt. Sau này biên giới được giải phóng, các đồn bỏ nhà âm làm nhà nổi trên mặt đất. Bộ đội tự chặt cây rừng để làm lán trại, hồi ấy từ chỗ ăn, chỗ ở, từ cơ sở vật chất đến điều kiện làm việc khó khăn lắm.
Đại tá Phạm Quang Hùng, Nguyên Chỉ huy trưởng Biên phòng Đắk Lắk kể lại: Cuối năm 1984, anh tốt nghiệp Đại học Công an vũ trang, được điều động về Đồn 759 của Đắk Nông bây giờ. Khi ấy, anh được cử làm đội Phó Đội trinh sát, nhận nhiệm vụ xuống buôn SaPa, xã Thuận An huyện Đắk Mil, cùng các anh em trong đội Trinh sát, đội vận động quần chúng của Đồn bám buôn nắm tình hình, quản lý đảm bảo ANTT tại xã Thuận An, trọng tâm là buôn SaPa và Bù Đăk, vì hai buôn này lúc bấy giờ còn hơn 40 chục Fulro, đều là con em của đồng bào trong buôn. Ban ngày chúng trốn ra rừng, ban đêm lại về buôn hoạt động.
Anh đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, bà con đi tuốt lúa dâu anh cũng đi, sau lưng anh đeo gùi, trước mang khẩu AK. Thấy anh gắn bó trách nhiệm, với bà con, nên anh được già làng tổ chức cúng cho nhập buôn, từ đây anh như một người con của buôn... Nhờ được bà con tin tưởng, công tác phát động quần chúng của Đồn có nhiều thuận lợi… Số người theo Fulro hoạt động ngoài rừng được bà con và chính quyền kêu gọi dần dần trở về.
“Kỷ niệm khó quên nhất với anh dó là lần dẫn bà con trong buôn đi kêu gọi các đối tượng Fulro trở về thì lọt vào ổ phục kích của chúng. Một tên được giao nhiệm vụ nổ súng bắn anh, nhưng chúng thấy có con trai của tên chỉ huy đi sau nên nó không bắn. Sống chết cận kề, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng nhờ có bà con đồng bào nên vượt qua hết”, anh Hùng chia sẻ.
Đại tá Lê Xuân Đáng cho biết thêm: Thời kỳ ấy các Đồn biên phòng thiếu thốn mọi thứ, nhưng sau giải phóng biên giới đã có phong trào hậu phương kết nghĩa, đỡ đầu BĐBP; các huyện, các đoàn thể, các trường học nhận đỡ đầu các Đồn biên phòng. Hậu phương hỗ trợ không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất. Thậm chí có đơn vị từ phong trào kết nghĩa mà xây dựng được cả lô cốt; được hỗ trợ máy nổ, máy phát điện, xe máy và cả ô tô, con giống; có huyện cho cả trại chăn nuôi cải thiện đời sống.
“BĐBP được trưởng thành và lớn mạnh như hôm nay là có sự quan tâm rất lớn từ Tỉnh ủy đến các cấp ủy, chính quyền Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương đã động viên kịp thời các chiến sĩ ở trên biên giới. Anh Đáng khẳng định: Từ trước cho đến bây giờ và mãi mãi sau này, BĐBP Đắk Lắk muốn hoàn thành nhiệm vụ vẫn phải dựa vào dân, nếu một mình đơn độc không hoàn thành nhiệm vụ được. Ngay cả các tuyến biên giới hiện nay là rất mừng các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã đẩy mạnh các phong trào, trong đó các chương trình phối hợp, đỡ đầu, quan tâm trên tuyến biên giới cũng là thông qua đó để dựa vào dân, để dân tin tưởng BĐBP; nhân dân trở thành tai mắt của BĐBP, giúp BĐBP và mỗi người dân biên giới thực sự là chiến sĩ biên phòng để từ đó quản lý bảo vệ biên giới vững mạnh hơn.
Xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính uỷ BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhận thức rõ vị trí chiến lược của khu vực biên giới, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt đầy đủ, toàn diện các văn bản liên quan đến xây dựng và bảo vệ biên giới. Trong đó chú trọng công tác dân vận, phát động quần chúng, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên…
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, từ năm 2010 đến nay BĐBP tỉnh tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo. Đáng kể như BĐBP tỉnh mở các lớp “xóa mù chữ cho người dân”; “phổ cập giáo dục tiểu học cho học sinh”, “khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con”; “xây dựng phòng khám Quân-dân y kết hợp” tại các xã biên giới; đặc biệt là BĐBP tỉnh đã xây dựng hàng trăm căn nhà:“Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”,“Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”,“Nhà nghĩa tình Trường Sơn”, “Nhà đồng đội”, “Nhà Đại Đoàn Kết”; “xây dựng các công trình dân sinh”,... trị giá hàng chục tỷ đồng.
Chương trình:“Nâng bước em tới trường”, Mô hình“Con nuôi đồn Biên phòng”; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Các đồn Biên phòng đã giới thiệu 49 đảng viên về sinh hoạt tạm thời tại các thôn, buôn biên giới. Qua đó, đã góp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực biên giới, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, củng cố khối “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, huy động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc. “Hình ảnh người lính quân hàm xanh” đã thực sự chiếm được cảm tình và sự tin yêu, quý mến của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.
Trải qua 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, BĐBP tỉnh Đắk Lắk luôn nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất, kiên trì chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi hi sinh thử thách, sẵn sàng xả thân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, góp phần tô thắm vào trang sử truyền thống vẻ vang của BĐBP Việt Nam Anh hùng.
Với những chiến công và thành tích vẻ vang, BĐBP Đắk Lắk vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng nhì, ba; 1 Huân chương Chiến công; 2 đơn vị được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa; 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 11 lượt đơn vị và 59 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng; 40 tập thể và cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen; trên 50 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...