Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk xây dựng khối Đại đoàn kết vùng biên

Thanh Nga 14/11/2022 14:00

Xác định “Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã chú trọng xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc ở vùng biên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

....
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tuyên truyền cho người dân về mục đích, ý nghĩa của cột mốc biên giới.

Những khó khăn, thách thức

Đắk Lắk là địa bàn có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, cũng là vùng trọng điểm của Tây Nguyên, với đường biên giới dài hơn 71 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 4 xã (38 thôn, buôn) thuộc 2 huyện biên giới gồm: xã Ia R’vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), với 6.720 hộ, 23.419 khẩu, 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 39,3%. Phần lớn người dân khu vực biên giới huyện Ea Súp đến từ tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc, riêng xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 99,3%.

Địa bàn biên giới rộng, dân cư thưa thớt, phong tục tập quán khác nhau, trình độ dân trí không đồng đều; kết cấu hạ tầng còn lạc hậu; giao thông đi lại khó khăn; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt, nên đời đời sống gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chiếm 55,7%.

Tình hình an ninh khu vực biên giới cơ bản giữ vững, ANCT- TTATXH được đảm bảo, QPAN được củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, các thế lực phản động không ngừng tìm mọi cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối Đại đoàn kết các dân tộc; vấn đề về an ninh nông thôn vẫn diễn biến phức tạp…

...
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk vận động người dân treo cờ trong ngày Lễ, Tết.

Chú trọng củng cốhệ thống chính trị cơ sở

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk cho biết, trước đây hệ thống chính trị (tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể) khu vực biên giới nhất là các thôn, buôn còn hạn chế, vai trò chưa rõ nét; nhiều thôn, buôn chưa có đảng viên, chưa thành lập được tổ chức Đảng và các đoàn thể. Điển hình như xã Ia lốp, năm 2006 khi mới thành lập có 12 thôn nhưng chỉ có 6 Chi bộ, thậm chí có những thôn “trắng” đảng viên. Các tổ chức chính trị - xã hội còn thiếu và yếu; cán bộ xã đa phần người tại chỗ, chưa qua đào tạo…

Trước tình hình đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã điều động cán bộ tăng cường xuống phối hợp, tham mưu cho địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; hiện nay BĐBP tỉnh phân công 4 cán bộ tăng cường cho 4 xã biên giới và giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã; giới thiệu 53 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại 100% Chi bộ thôn, buôn; phân công 72 cán bộ, đảng viên ở các Đồn Biên phòng phụ trách 331 hộ gia đình tại 4 xã biên giới.

....
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tuần tra khu vực biên giới.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Ân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp (cán bộ tăng cường về xã) chia sẻ: “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã kiên trì bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con khu vực biên giới; thường xuyên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm tư, nguyện vọng của từng hộ gia đình đề xuất với cấp ủy, Chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương có cách thức hợp lý giúp các gia đình phát triển KTXH, từng bước xóa đói, giảm nghèo; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với QPAN; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của người dân trong việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Ông Phạm Khắc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp khẳng định: Từ khi có đảng viên là cán bộ biên phòng về tham gia sinh hoạt tạm thời ở thôn thì hệ thống chính trị ở Ia Lốp mới được củng cố; đội ngũ cán bộ thôn mới được kiện toàn; Các Chi bộ mới biết cách tổ chức sinh hoạt, xây dựng Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Nhờ đó, tình trạng thôn trắng đảng viên được xóa dần. Từ 6 Chi bộ ban đầu nay đã tăng lên 20 Chi bộ. Số đảng viên ban đầu chỉ có 37 đảng viên nay tăng lên 310 đảng viên. Tất cả các thôn và các cơ quan đơn vị đều có tổ chức Đảng.

....
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk giúp dân thu hoạc mùa màng.

Giúp dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống

Với nhiệm vụ giúp dân sản xuất, ổn định đời sống, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã làm chủ đầu tư dự án giãn tách và đưa dân ra lập nghiệp sát biên giới; xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, khai hoang, mở rộng diện tích đồng ruộng; vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

....
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk hỗ trợ bò cho hộ nghèo phát triển kinh tế.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai như: mô hình chăn nuôi nhím, bò, vịt trời, kỳ nhông; mô hình trồng gừng và ớt trong bao, xoài lai trái vụ, đu đủ Thái Lan, bí cao sản, cây khoai sọ, thanh long ruột đỏ... Đáng kể nhất là mô hình trồng cây lúa nước đem lại hiệu quả năng suất cao, từ ruộng lúa 1 vụ nay người dân sản xuất 2 vụ trên cánh đồng 30 ha tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Mô hình tặng 83 con bò giống sinh sản trị giá 750 triệu đồng cho 83 hộ nghèo các xã biên giới cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

...
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk giúp dân sửa chữa nhà, ổn định cuộc sống sau mưa lũ.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk còn sửa chữa, làm mới gần 60 km đường giao thông liên thôn, buôn huy động hơn 6.000 ngày công giúp dân thu hoạch mùa, sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường…

Cùng với việc giúp dân phát triển kinh tế, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh huy động hàng chục tỷ đồng để xây dựng gần 200 ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, nhà “Đồng đội”, nhà Tình nghĩa tặng cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. Huy động hơn 2,5 tỷ đồng xây dựng 19 giếng khoan, 3 phòng học, 3 phòng khám quân - dân y kết hợp.

....
Lãnh đạo, Bộ Chỉ huy Biên phòng thăm tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cùng với việc chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk còn mở 7 lớp xóa mù chữ cho 225 người dân trên địa bàn; vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp hỗ trợ 42 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 4 xã biên giới, trong đó có 21 em là người dân tộc thiểu số, hàng tháng mỗi em được hỗ trợ 500.000 nghìn đồng; nhận nuôi 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các đồn biên phòng; vận động hàng trăm em học sinh trong độ tuổi đến trường; tặng hàng nghìn cuốn sách, vở, dụng cụ học tập và 102 xe đạp, trị giá gần 168 triệu đồng cho học sinh nghèo…Các Trạm y tế quân - dân y kết hợp đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 17.000 lượt người dân trên địa bàn, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 1 tỷ đồng.

....
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo ở vùng biên.

“Nhìn Các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, chương trình tiêu biểu, như “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường”,“Con nuôi đồn biên phòng”... Hình ảnh “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp dân phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19... luôn in đậm trong tâm trí người dân trên địa bàn khu vực biên giới.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đang chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên.

Trong 4 xã biên giới hiện đã có 1 xã (Ea Bung) đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí. “Có thể nói Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã góp phần quan trọng trong việc giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh’,ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê phấn khởi.

Đồng lòng chung sức bảo vệ biên cương

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các anh em là ruột thịt”, Bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã tạo được niềm tin với dân; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp, từ đó bà con nhân dân các xã biên giới đã đồng lòng chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng Đắk Lắk tặng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng Đắk Lắk tặng Giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Nhiều phong trào, mô hình hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”; mô hình “Cán bộ, đoàn viên, thanh niên không vi phạm pháp luật”, “thôn, buôn không có người vượt biên trái phép”, “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”… Tất cả 38 thôn, buôn và 489 hộ gia đình, 1.569 cá nhân trên khu vực biên giới đã tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 71,972 km đường biên và 7 cột mốc biên giới.

...
Người dân khu vực biên giới cùng Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk tuần tra bảo vệ cột mốc.

Nhắc đến bộ đội biên phòng, bà Lê Thị Tiên ở thôn Đừng, xã Ia Lốp vui mừng nói: “Bà con chúng tôi coi bộ đội như người thân trong gia đình, chúng tôi luôn tin yêu, quý trọng và nghe lời bộ đội nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, yên tâm định canh, định cư, bám đất, bám làng; cùng bộ đội tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương của Tổ quốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk xây dựng khối Đại đoàn kết vùng biên