Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông thông tin, Bộ GTVT không đồng thuận việc nhập khẩu 37 toa xe cũ do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 vào chiều 6/11, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm.
PV Kỳ Thành (Báo Đầu tư) hỏi: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản đề xuất xin cho nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản. Xin ông cho biết quan điểm, Việt Nam có nên cho nhập không?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời: Từ tháng 10/2021, VNR có các văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng. Các toa xe này sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, loại tự hành diesel.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành và trong vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo.
Chúng tôi nghiêm túc xem xét các yếu tố như điều kiện DN gặp khó khăn, cần có thêm phương tiện hoạt động… Tuy nhiên, phải căn cứ quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 32 Luật Đường sắt có quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.”
Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, Điều 8 có quy định: “Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.”
Trường hợp trên, toa sản xuất năm 1979-1982 tuổi thọ cỡ 39 đến 42 năm không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật.
Toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067 m, trong khi khổ đường sắt của ta là 1m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến nếu làm hết khoảng 140 tỷ.
Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, TP HCM có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt. Quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận việc này.
PV Kỳ Thành (Báo Đầu tư) hỏi: Xin hỏi khi nào học sinh trở lại đi học đặc biệt trong trường hợp nhiều địa phương khi công bố dịch cấp độ 1,2?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời: Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Bộ Y tế ban hành Công văn 4726 ngày 15/10 đề nghị UBND các tỉnh căn cứ phân loại đánh giá cấp độ dịch từng địa phương để quyết định việc dạy trực tiếp hay không.
Theo đó, khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập, ví dụ dịch ở cấp độ 1, 2 có thể tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh. Nhưng việc triển khai cụ thể thế nào phụ thuộc đặc điểm, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đến nay, có 21 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, có 18 địa phương kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến qua truyền hình, 24 địa phương vẫn học trực tuyến qua truyền hình.
Với các địa phương có lượng học sinh lớn, đặc thù như TPHCM, Hà Nội đều đã có phương án. Như ngày 31/10, UBND TP. Hà Nội có văn bản dự kiến cho học sinh đi học tại các khu vực có cấp độ dịch 1, 2, tuy nhiên, đến hôm nay (6/11) lại có văn bản mới tạm dừng việc đó, chỉ cho học sinh ở huyện Ba Vì đi học trở lại, chứng tỏ diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp.
Chúng ta đều mong muốn học sinh có thể đến trường nhưng bên cạnh đó vẫn còn lo lắng tình hình diễn biến dịch. Ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã họp với Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai Bộ trưởng đều thống nhất nhận định việc học sinh trở lại trường không chỉ là nhu cầu mà còn là yêu cầu để bảo đảm chất lượng, bảo đảm yếu tố tâm lý, đặc biệt với các học sinh lớp nhỏ, liên quan ảnh hưởng đến các gia đình.
Trong tuần tới, chúng tôi dự kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến để các Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các quận, huyện để trao đổi về giải pháp triển khai chống dịch ở các cơ sở giáo dục khi dạy học trực tiếp, từ đó có hướng dẫn các địa phương.
Hai Bộ sẽ sớm ban hành bổ sung Sổ tay Y tế phòng chống Covid-19 trong các trường học, tổ chức tập huấn các trường toàn quốc vể kỹ năng phòng chống Covid-19, để mỗi giáo viên đều có thể là cán bộ y tế trường học.
Với sự cố gắng của 2 Bộ và các đơn vị liên quan, hy vọng trong thời gian tới các địa phương sẽ sớm có quyết định cho học sinh quay lại trường học.
Về triển khai vaccine, nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế, các địa phương, Bộ GD&ĐT có đề nghị rõ các địa phương sớm có phương án cho các học sinh lứa tuổi 12-18 sớm được tiêm vaccine, khi đó các yếu tố phòng chống dịch bảo đảm tốt hơn cho các em đến trường.