Bố mẹ đuối sức khi dồn hết tiền cho con học trường sang

Theo VNE 02/08/2017 09:35

Mỗi tháng lấy hết 20 triệu lương mình đóng học cho con, anh Lâm nghĩ đủ cách kiếm thêm nhưng không nổi, đành chuyển trường cho con.

(Ảnh minh họa: mathemagis).

Gia đình hai chị vợ giàu có đều đã cho các con học trường quốc tế, vì thế cách đây một năm, khi con đến tuổi đi học, vợ chồng anh Lâm (Nhà Bè, TP HCM) nghĩ ngay đến việc xin cho con vào trường mầm non quốc tế. Tổng học phí và tiền ăn gần 20 triệu/tháng, vừa bằng tiền lương cố định của anh Lâm. Từ ngày con đi học, toàn bộ chi tiêu trong nhà trông chờ vào lương của chị, khoảng 25 triệu/tháng. Mỗi tháng, vợ chồng anh vẫn trả lương cho người giúp việc (theo giờ) khoảng 6 triệu, các hóa đơn điện, nước, internet khoảng 2 triệu, tiền gửi một ôtô, hai xe máy và phí dịch vụ, an ninh ở chung cư khoảng 2 triệu, tổng cộng hết khoảng 10 triệu.

Chỉ còn 15 triệu cho ăn uống và các khoản chi tiêu không cố định khác, vợ anh ngay lập tức áp dụng các phương pháp tiết kiệm, trời thật nóng mới bật máy lạnh, hạn chế các món ăn yêu thích nhưng tốn tiền của chồng như thịt bò, hải sản... Chưa quen với việc phải thắt chặt chi tiêu, anh Lâm cảm thấy khó chịu. Còn vợ anh thì buồn bực vì thỉnh thoảng phải vay tiền các chị gái để tiêu.

"Tôi đang nghĩ vài cách kiếm thêm tiền, nhiều lần hùn vốn với bạn bè kinh doanh thêm nhưng chưa thấy hiệu quả. Nếu thu nhập vẫn chỉ như hiện nay, có lẽ phải chuyển cho con học ở trường bình dân hơn. Mà như thế cũng thấy 'kém tắm' với đằng nhà vợ nên vẫn đang phải cố", anh Lâm phiền não.

Không tính kỹ khả năng tài chính của gia đình, vợ chồng chị Minh (quận 2, TP HCM) đã buộc phải cho con nghỉ học ở trường quốc tế giữa chừng. Năm 2013, khi con chuẩn bị vào lớp 1, chị đang làm cho một công ty của nước ngoài, hưởng lương sau thuế khoảng 60 triệu/tháng. Ngoài ra, chị có thêm một tháng lương thứ 13 trong năm. Chồng chị làm trong một Viện Nghiên cứu, lương chính khoảng 5 triệu nhưng anh có thể kiếm thêm bằng cách đi dạy ở các trường đại học, cộng tác với các dự án, thu nhập dao động khoảng 10-15 triệu. Anh chị đã có một miếng đất 80m2 ở quận 2 và một căn hộ 4 tỷ, mua theo dạng trả góp.

Lúc đó, chị vừa bán cổ phiếu được hơn 300 triệu tiền mặt, rất tự tin cho con vào trường quốc tế. Chị lấy luôn số tiền này đóng học phí kỳ đầu tiên cho con (178 triệu) cộng thêm khoản tiền 30 triệu đăng ký nhập học.

Mỗi tháng, sau khi trả nợ ngân hàng 30 triệu tiền mua căn hộ, chị gửi tiết kiệm trực tuyến 30 triệu để lo việc đóng tiền học cho con sắp tới. Thế nhưng mỗi khi bí tiền, chị lại rút tiết kiệm ra tiêu. Vì thế, đến mỗi kỳ đóng học cho con là người mẹ lại đau đầu. Nửa năm trôi qua rất nhanh. Khi con lên lớp ba thì chị sinh bé thứ hai. Mẹ nghỉ sinh đồng nghĩa không có tiền đóng học cho con kỳ tới. Đăng tin bán đất không được, chị phải đi vay nóng để có tiền đóng học cho con.

Cố cho bé học xong lớp ba, vợ chồng chị đành cho con về trường công học. Môi trường thay đổi, con chị sốc: Bé chê bữa ăn trưa ở trường công không ngon nên thường xuyên bỏ bữa, chê cơ sở vật chất nhà trường xấu nên không thích đến lớp, chê lớp đông nên không ai chơi với con. Ngày nào con đi học, bố mẹ cũng phải ra sức dỗ dành.

Ông Bội Lê, chuyên viên hoạch định tài chính gia đình tại TP HCM, cho biết, muốn cho con học trường quốc tế, phương án an toàn nhất là cha mẹ để riêng ra một khoản lo đóng đủ học phí cho con tới hết phổ thông, dù trẻ mới học mầm non, tiểu học. Một số người thận trọng khác không dành riêng khoản này thì phải có tài sản dựa lưng để khi gặp khó khăn có thể lấy ra bán để dùng. Nếu không theo được những cách trên thì sẽ rất bấp bênh vì không thể đoán trước được các khó khăn kinh tế có thể xảy ra.

Hiện nay, học phí trường tư và trường quốc tế khá nặng, một năm học là trên dưới 100 triệu đồng. Khi bố mẹ bị giảm thu nhập một chút thì còn tạm thời cắt giảm các chi tiêu để duy trì việc học cho con, nhưng lỡ thâm hụt lớn thì rất khó duy trì.

Khi phụ huynh không kham nổi học phí trường quốc tế, chuyển về trường thường thì đứa trẻ gặp khó khăn về việc học. Kinh tế khó khăn mà phải nai lưng ra lo tiền học cho con thì bố mẹ cũng rất căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới bầu không khí chung của gia đình.

Kết quả điều tra với 3.200 hộ gia đình có con đang học từ bậc tiểu học đến hết đại học ở 6 tỉnh thành (trong đó có HN và TP HCM) năm 2015 - 2016 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho thấy mức chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam cho giáo dục ở mức tương đối cao: Bình quân mỗi hộ chi 2,53 triệu đồng cho mỗi con một tháng. Ở thành thị, con số này cao hơn, là 3,07 triệu đồng. Mức chi cho giáo dục cao nhất là ở nhóm hộ giàu, chiếm 43% ngân sách gia đình, trong khi ở nhóm hộ nghèo con số này là 16,5%.

Theo tác giả nghiên cứu, thạc sĩ Nguyễn Thị Linh Hương, kết quả điều tra cho thấy giáo dục đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi tiêu chiếm tới hơn 30% tổng chi tiêu của hộ gia đình thì đây là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các gia đình hiện nay.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Khanh (Bình Thạnh, TP HCM) đầu tư về giáo dục được xem là một sự đầu tư khôn ngoan nhất cho tương lai của con em mình, nhất là đối với các gia đình có điều kiện. Một trong những lựa chọn đó chính là cho con theo học các trường quốc tế, trường tư chất lượng cao.

Ngoài những gia đình có thu nhập cao và ổn định để có thể cho con theo học các trường hoàn toàn theo chương trình đào tạo từ nước ngoài để sau đó đi du học, sẽ có một bộ phận không nhỏ chỉ có khả năng cho con theo học trường quốc tế, trường tư ở cấp mẫu giáo hay tiểu học, rồi vì nhiều lý do khác nhau phải chuyển sang học trường công lập ở các bậc học cao hơn.

Khi phải chuyển từ một môi trường học tập khá "tự do" và không có nhiều áp lực sang một môi trường khác biệt về cách học và cách tương tác với giáo viên, đã có nhiều em không chịu nổi, trở nên căng thẳng, quậy phá hay trầm cảm, mất hứng thú học tập.

Ông Khanh cho biết, có trẻ vốn đãng trí, thiếu tập trung, khi học ở trường mầm non quốc tế thì không gặp vấn đề gì nhưng khi lên tiểu học vào trường công lập thì lập tức gặp khó. Trẻ bị giáo viên phàn nàn vì không nghe lời cô, hay rời bỏ chỗ ngồi trong giờ học và đánh bạn vì bạn không chịu chơi chung.

Một trường hợp khác, trẻ vốn năng động và thông minh, thích phát biểu, hay đặt câu hỏi với giáo viên khi học ở trường quốc tế thì đây là những điều được khuyến khích và đáp ứng. Nhưng khi chuyển sang trường công lập thì chuyện hay thắc mắc, thích trả lời dù đúng hay sai của học sinh này lại bị các bạn trêu chọc, ganh tỵ và gây khó chịu cho giáo viên. Những phản ứng đó đã khiến em mất đi hứng thú học, thậm chí là không muốn đi học nữa.

"Đây là 2 trường hợp mà bố mẹ đã phải tìm đến nhà tâm lý nhờ hỗ trợ sau khi con chuyển từ trường quốc tế sang trường công, nhưng vấn đề không chỉ là khuyên bảo hay can thiệp lên các em mà còn phải thay đổi cách ứng xử của bố mẹ", ông Khanh nói.

Theo chuyên gia, việc chuyển con từ trường quốc tế sang trường công lập, dù với bất cứ lý do nào thì bố mẹ đều cần phải xem xét năng lực, tính cách của trẻ và có bước chuẩn bị trước. Hãy áp dụng một số cách nâng đỡ tinh thần, xây dựng ý thức kỷ luật cho con, giúp trẻ biết lắng nghe và tôn trọng thầy cô, bạn bè trước khi chuyển.

"Các bậc cha mẹ cần biết, không phải môi trường giáo dục quốc tế hay công lập quyết định năng lực học tập của con, mà chính cách ứng xử và những cách tác động ở gia đình mới là yếu tố quan trọng khiến trẻ trở nên tự tin, mạnh dạn dễ thích nghi hay sẽ trở nên nhút nhát, khó chịu hoặc quá lo lắng khiến cho việc học bị trở ngại", nhà tâm lý nói.

Theo ông, nếu gia đình không đủ điều kiện thì không nên dồn hết ngân sách cho việc học của con, để chính điều đó tạo áp lực không chỉ lên bố mẹ, mà còn lên cả con khi trẻ biết rằng vì nó mà cả nhà phải hết sức nỗ lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bố mẹ đuối sức khi dồn hết tiền cho con học trường sang