Bộ sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt, Toán vừa bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng 1. Trước đó, bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với hơn 900.000 học sinh theo học.
Vì thế, việc bộ sách không vượt qua vòng thẩm định lần này để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021 có thể dẫn đến một số khó khăn trong việc dạy và học cho các trường đang áp dụng.
Bộ sách bị đánh giá “không đạt”
Cùng với sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục, có 5 bộ SGK đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký thẩm định trong đợt đầu tiên. Tuy nhiên, Bộ SGK Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1”, một số vấn đề kỹ thuật, trình bày. Ví dụ, GS Hồ Ngọc Đại đưa các câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vào các chân trang để học sinh học và ghi nhớ tiếng Việt qua thành ngữ, tục ngữ đều bị các thành viên hội đồng đề nghị bỏ vì không phù hợp với học sinh lớp 1.
Ở sách Toán 1 - Công nghệ giáo dục, cũng bị hội đồng thẩm định cho rằng, có nhiều nội dung “không nằm trong yêu cầu của chương trình”, “vượt yêu cầu của chương trình”.
Theo quy định, hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ có ba mức xếp loại “đạt”, “đạt nhưng cần sửa chữa” và “không đạt”. SGK Công nghệ giáo dục bị xếp “không đạt” trong đợt thẩm định này. Mặc dù vậy, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK nhận xét, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại được biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng.
Về thông tin bộ sách công phu bị loại bỏ, GS Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học.
Chia sẻ về công việc thẩm định SGK trong đợt đầu tiên, ông Thái Văn Tài- quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) cho hay: Trách nhiệm của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK rất lớn. Tuy vậy, việc thẩm định không hẳn tạo nên áp lực nặng nề đối với các thành viên. Nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các SGK được gửi đến thẩm định, mà đánh giá các SGK này theo những tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: đạt, đạt cần sửa chữa hay không đạt.
Như vậy, sự khác biệt giữa các SGK được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với SGK hay không. Còn việc chọn sách/bộ sách nào sử dụng trong các nhà trường là do các địa phương cân nhắc, dựa trên điều kiện thực tiễn, việc đánh giá mức độ phù hợp với đối tượng học sinh ở mỗi vùng miền nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất.
“Không bất ngờ”
Trao đổi với báo chí ngày 12/9 xung quanh việc bộ SGK lớp 1 - Công nghệ giáo dục do ông làm chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm “không đạt” ngay vòng đầu, GS Hồ Ngọc Đại cho hay, ông biết điều này sẽ xảy ra và không lấy làm bất ngờ.
Trước băn khoăn, liệu bộ SGK của ông sẽ “sống” tiếp ra sao nếu bị loại từ vòng thẩm định? GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa để nộp lại, bởi công trình ấy ông đã làm cả một đời người. “Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay…” - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định, sản phẩm của ông đưa ra khác với hiện hành về nguyên lý sư phạm về bộ SGK, bởi ông căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Theo ông, một chương trình có hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ em mỗi ngày, mỗi giờ học đều mang lại lợi ích, cái mới, niềm vui cho trẻ em. Học tiếng Việt là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Điều ông băn khoăn nhất hiện nay là cần tôn trọng hơn 900 nghìn học sinh đang học SGK Công nghệ giáo dục.
Như đã nói ở trên, đây cũng đang là băn khoăn của nhiều người, bởi nếu SGK Công nghệ giáo dục nếu không được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới có thể sẽ gây xáo trộn lớn ở những địa phương đã triển khai thành công trong các năm qua.
Ngày 12/9, GS Hồ Ngọc Đại đã có cuộc ra mắt và trao đổi về cuốn “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Cuốn sách khổ 11x18cm, chưa đầy 200 trang được GS Hồ Ngọc Đại coi là “di ngôn” của ông về SGK đổi mới giáo dục mà ông chắt lọc từ cả đời nghiên cứu và thực nghiệm theo một phương pháp tiếp cận hiện đại với học sinh tiểu học.