Xã hội

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Lê Bảo 27/03/2024 10:25

Nhằm tăng quyền lợi cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

26-3.jpg
Nhiều chính sách được bổ sung nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Lan Hương.

Nâng mức đóng BHTN

Theo Bộ LĐTBXH, Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ BHTN kết dư lớn.

Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN. Chính sách hỗ trợ đột xuất này đã giúp hàng chục triệu người lao động ổn định cuộc sống trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, theo thống kê của Bộ LĐTBXH, quỹ đã hỗ trợ 346.664 đơn vị với trên 11,98 triệu lao động giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 12,96 triệu lao động với số tiền hơn 30.802 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, Quỹ BHTN đã hỗ trợ 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng.

Chính vì vậy, tại Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ LĐTBXH đã có đề xuất nói trên. Thời điểm đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHTN tháng đó. Người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan BHXH đối với trường hợp này. Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ BHTN theo mức do Chính phủ quy định. Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHTN là tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.

Trường hợp tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng tại thời điểm đóng BHTN.

Thực tế cho thấy, chính sách BHTN đã phát huy tính ưu việt của chính sách bảo vệ và giúp người lao động thất nghiệp, mất việc làm tạm thời…ổn định được cuộc sống trong lúc chờ công việc mới. Đây cũng được xem là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Nhiều năm qua, BHTN đã góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động khi mất việc làm, đồng thời cũng giúp nhiều người tái hòa nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, chính sách BHTN hiện nay không còn phù hợp với tình hình mới, trong quá trình thực hiện các quy định đã bộc lộ nhiều bất cập.

Mở rộng số người tham gia BHTN

Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia BHTN tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm). Riêng trong năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm ( Bộ LĐTBXH) cho biết, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân tăng khoảng trên 6%/năm. Tính đến cuối năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn. Bởi theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc). Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ...

Vì vậy, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO