Ngày 10/12, tại Hà Nội, Công ty sách Đông A ra mắt cuốn sách “Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim, nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuốn sách được xuất bản lần đầu.
“Việt Nam sử lược” của học giả Trần Trọng Kim ra mắt lần đầu năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như “Đại Việt sử ký toàn thư” hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là nguồn sử liệu chính thống. Sách sử Việt Nam khi đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng, một số tác phẩm viết bằng quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài…
Học giả Trần Trọng Kim, với phương pháp ghi chép mới mẻ, có hệ thống, cách kể lôi cuốn, và tư duy sử học tiến bộ so với đương thời đã bắt tay viết “Việt Nam sử lược”. Từ khi được xuất bản lần đầu cho đến nay, “Việt Nam sử lược” thường được coi như cuốn sách vỡ lòng cho bất cứ ai bắt đầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Do cuốn sách có nhiều bản in khác nhau, thậm chí khi học giả Trần Trọng Kim còn sống, mỗi lần in ông lại có những sửa chữa, bổ sung. Nhưng do nhiều nguyên nhân, các ấn bản “Việt Nam sử lược” từ trước tới nay vẫn được giới nghiên cứu lẫn bạn đọc chỉ ra những nhầm lẫn, sai sót.
Với mong muốn góp phần hoàn thiện và phổ biến “tấm Nam sử” mà học giả Trần Trọng Kim đã dệt những sợi đầu tiên cách nay tròn một thế kỷ, Công ty Đông A đã quyết định làm mới ấn bản “Việt Nam sử lược” với nhiều đầu tư trong việc biên tập, hiệu đính, chú giải, và bổ sung hình ảnh minh họa mới.
Cụ thể, sau khi đối chiếu các bản in, phần văn bản của ấn bản lần này được Đông A thực hiện theo bản in lần thứ năm (1954) của NXB Tân Việt, là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối. Sau đó, đơn vị làm sách này còn bổ sung một số chi tiết trong nội dung của các bản in năm 1920, 1928, 1971.
Phần hình ảnh minh họa dựa theo bản in lần thứ 2 năm 1928 của Imprimerie Vĩnh & Thành Hà Nội. Ngoài ra, ấn bản mới bổ sung gần 60 minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa...
Đáng chú ý, sách còn bổ sung Lời đề tặng ngài Thân Trọng Huề (trong lần in thứ nhất năm 1920), Sách dẫn (có hiệu chính, bổ sung) trong bản in năm 1971 để giúp độc giả tra cứu nhanh chóng nhân danh, địa danh, một số mục từ quan trọng...
Đặc biệt, hơn 700 chú thích đã được bổ sung trong ấn bản lần này nhằm giải thích cho độc giả ngày nay những từ ngữ ít quen thuộc, những chi tiết nghi sai sót, không nhất quán khi đối chiếu với các bộ chính sử, hoặc cần làm rõ thêm do có những phát hiện mới trong ngành sử học. Những chú thích này có ký hiệu riêng để phân biệt với nguyên chú của tác giả.
Trong lần ra mắt này, ngoài bản bìa cứng cao cấp, Đông A sẽ giới thiệu tới bạn đọc 500 bản giới hạn, đánh số nhảy từ DA 001 đến DA 500; 101 bản đặc biệt đánh số từ ĐA_1920 đến ĐA_2020.
Trần Trọng Kim (1883 - 1953) là nhà giáo dục, nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam, hiệu Lệ Thần, người xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong sự nghiệp nghiên cứu và biên khảo, Trần Trọng Kim để lại nhiều tác phẩm giá trị, như Sơ học luân lý, Sư phạm khoa yếu lược, Việt Nam văn phạm, bộ ba Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Sử ký - địa dư giáo khoa thư, nhưng nổi tiếng nhất là hai bộ Nho giáo và Việt Nam sử lược.