Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải bỏ các đề xuất về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, nhập khẩu xe ôtô điện.
Bộ Tài chính vừa có góp ý gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về những đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện. Văn bản nêu rõ, giai đoạn vừa qua, luật về thuế, phí, lệ phí đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của đất nước từng thời kỳ cũng như các yêu cầu về phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong số đó, đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghệ hỗ trợ ô tô, bao gồm cả các chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công thương đang là đơn vị được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô điện hóa. Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Chính phủ về lộ trình và định hướng phát triển ôtô điện tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT tham khảo nội dung báo cáo của Bộ Công thương có đề xuất thống nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tính khả thi.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng, một số nội dung đề xuất giao Bộ Tài chính chưa được luận giải cụ thể, rõ ràng, chưa cung cấp được các thông tin cần có và yêu cầu nguồn lực của việc thực hiện các giải pháp như đề xuất ưu tiên mua sắm xe ôtô điện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hay đề xuất hỗ trợ bằng tiền cho người mua xe điện...
Về các ưu đãi miễn, giảm thuế để sản xuất, lắp ráp xe ôtô điện, pin xe điện, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về thuế hiện hành đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất lắp ráp xe ôtô điện trong nước và pin xe điện, không chỉ ưu đãi đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sản xuất xe ôtô điện mà còn có ưu đãi thuế có thời hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ôtô điện, pin xe điện.
Các chính sách ưu đãi thuế này vẫn đang trong quá trình thực hiện như chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô để sản xuất, lắp ráp ôtô được thực hiện từ 2017 và kéo dài đến hết 2027, chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ôtô được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024; đối với dự án sản xuất pin nhiên liệu, pin lithium thuộc đối tượng đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư nên được miễn thuế nguyên liệu, vật tư trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Bộ Tài chính cho rằng, cần có thời gian tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách ưu đãi thuế này qua quá trình thực hiện so với mục tiêu đề ra, trước khi đặt vấn đề bổ sung thêm các chính sách mới để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của đất nước cũng như ngành công nghiệp ôtô trong giai đoạn tới đây.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT bỏ các đề xuất về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, nhập khẩu xe ô tô điện tại dự thảo báo cáo mà chỉ nên đề xuất theo hướng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ô tô điện đã được ban hành, đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá các chính sách này để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển ngành ô tô.
Theo Bộ Tài chính, việc đặt vấn đề miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô điện nguyên chiếc như kiến nghị của một số doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện trong nước, gây áp lực lên hạ tầng giao thông và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.