Bộ tộc Korowai

(Nguồn tham khảo: Daily mail Wikipedia) 21/07/2018 16:57

Bộ tộc Korowai (tỉnh Papua, Indonesia) nổi tiếng toàn thế giới vì những ngôi nhà trên cây. Những ngôi nhà đó như những chiếc tổ chim, cách mặt đất khoảng 40 mét. Do cuộc sống kín đáo trong rừng rậm, nên mãi tới năm 1970, người Korowai mới được thế giới biết đến.

Bộ tộc Korowai

Cuộc sống trong rừng đã khiến người Korowai làm nhà trên ngọn cây để tránh thú dữ và đề phòng những cuộc tấn công đến từ những bộ tộc khác.

Kể từ khi bộ tộc này được phát hiện, nhiều đoàn thám hiểm bao gồm các nhà dân tộc học đã lặn lội vào rừng sâu để tìm hiểu cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thông tin về sinh hoạt của người Korowai rất khác nhau, trong đó có không ít thông tin sai lạc.

Tháng 5/2006, Paul Raffaele, phóng viên kiêm hướng dẫn viên du lịch, dẫn đầu đoàn làm phim của Australia đã vào tận nơi người Korowai sinh sống. “Chuyến đi đã cho tôi những hiểu biết tuy ít ỏi nhưng chân xác về cuộc sống của những người làm nhà trên cây. Họ có cách tổ chức gia đình riêng, nếp sinh hoạt riêng, có tín ngưỡng thần linh riêng của mình. Nhưng quan trọng nhất họ là những con người thân thiện, những con người tài giỏi khi tổ chức được cuộc sống trong điều kiện rất khó khăn”- P.Raffaele nói.

Những bức ảnh do P.Raffaele ghi lại cho thấy cuộc sống vô cùng độc đáo và khác biệt của tộc người Korowai. Không chỉ là những ngôi nhà đu đưa trên ngọn cây, mà còn là cách họ trèo lên nhà mình, cách họ “chuyền” từ nhà này sang nhà khác ở độ cao chóng mặt; mà còn là những bữa ăn đơn sơ, cách dạy dỗ con cái trong lúc gia đình sum họp, và cả cách mà những bà nội trợ nấu một bữa ăn.

Bộ tộc Korowai - 1

Cầu thang và cách lên nhà độc đáo của người Korowai.

Ngược thời gian, năm 1970, một nhà truyền giáo người Hà Lan đã phát hiện ra bộ tộc Korowai. Trong ghi chép của mình, ông viết: Họ sống thành từng nhóm trong một cánh rừng rậm. Những ngôi nhà của họ treo trên ngọn cây, đôi khi được gia cố thêm cho chắc chắn bởi những cọc gỗ dài. Họ đã bắt chước loài chim làm cho mình những chiếc tổ lớn và cuộc sống hàng ngày đều trong chiếc tổ đó, trừ khi những người đàn ông xuống đất để săn bắn, hoặc những người đàn bà ra suối lấy nước”.

Trong ghi chép của mình, vị truyền giáo nọ còn cho rằng, trong tất cả những gì là khác lạ, độc đáo của người Korowai, thì độc đáo nhất là cách họ làm ra chiếc thang để leo từ mặt đất lên nhà và cách họ “chuyền” từ nhà này sang nhà khác khi cần.

Về những chiếc thang, đó là một thân cây lớn, dựng từ mặt đất lên cho tới cửa chính của ngôi nhà với độ dài của thang gần 50 mét. Nó không choãi chân ra như những chiếc thang thông thường mà là thẳng đứng. Trên thân cây gỗ đó, người ta đẽo những bậc nhỏ, cách nhau chừng 20cm. Ngay từ khi chập chững biết đi, các ông bố đã dạy con cách trèo thang: có nghĩa là phải ôm chắc lấy thân cây gỗ và lần từng bậc mà lên, hoặc xuống. Như vậy, phải tới hơn 5 tuổi, một đứa trẻ tộc người Korowai mới được đặt chân xuống đất, vì khi đó nó mới có thể tự mình trèo thang.

Và cũng chính vì sự phức tạp của việc lên xuống, nên các sinh hoạt của một gia đình người Korowai thường đơn giản, vật dụng trong nhà cũng rất ít, chỉ đủ để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà thôi.

Bộ tộc Korowai - 2

Nướng cá cho bữa ăn hàng ngày.

Tuy cuộc sống khép kín trong từng ngôi nhà treo trên cây, nhưng để giao lưu với “hàng xóm”- sống trong ngôi nhà ở một lùm cây khác, người ta chỉ còn cách đu cành cây mà đến, hoặc là làm những chiếc cầu rất chông chênh nối lại với nhau. Để đến được nhà khác vào ban đêm (khi không tiện xuống đất vì nỗi lo thú dữ, rắn độc), họ đu bám trên cao không khác gì những người làm xiếc dũng cảm.

Một nghiên cứu gần đây cho biết, hiện có khoảng 3.000 người Korowai sống rải rác trong rừng Papua. Họ có ngôn ngữ riêng của mình và sống bằng động thực vật trong rừng.

Tự lo cho cuộc sống, người Korowai rất giỏi săn bắn, leo trèo hái quả và bắt cá suối. Họ cũng không ở lâu tại một cánh rừng, mà di chuyển khá nhiều, nhất là năm có bão lớn thì thường họ lại “chuyển nhà” vào những khu rừng rậm hơn. Cũng do sự di chuyển ấy mà người Korowai rất giỏi trong việc nhận biết phương hướng thông qua những làn khói, đánh dấu đường mòn, cách đọc dấu chân để xác định phương hướng.

Người Korowai rất yêu thương và chăm sóc gia đình riêng của mình. Các bậc cha mẹ bao giờ cũng giành phần tốt nhất cho con, rất có ý thức dạy cho con cách sống tự lập và cách tôn trọng thiên nhiên. Con trai được bố dạy cho cách săn bắn, trèo leo hái quả. Con gái được mẹ dạy cho cách nấu nướng, dệt vải, may vá và cách làm chủ một gia đình.

Tới nay, các kiến trúc sư hiện đại vẫn rất thích thú và ngạc nhiên trước những ngôi nhà treo trên cây của người Korowai. Ngôi nhà thường được dựng trên một cây Banyan hay Wambom. Để làm nhà, người ta sẽ chặt bỏ phần ngọn cây, sau đó lắp khung sàn nhà làm từ cành cây và lát lá cọ. Tiếp đó là khâu hoàn thiện phần tường. Họ không dùng đinh mà dùng những sợi cọ để nối các cấu trúc lại với nhau. Chính những sợi dây có tính đàn hồi ấy giúp cho ngôi nhà có thể đu đưa trong gió.

Bộ tộc Korowai - 3

Những đứa trẻ.

Trong cộng đồng người Korowai, không có những người thợ chuyên làm nhà, mà mỗi khi ai đó làm nhà mới thì cả cộng đồng cùng chung tay. Ngôi nhà được dựng lên hoàn toàn do kinh nghiệm tích lũy lại chứ không hề có bất cứ một bản vẽ nào. Cũng chính từ việc cùng nhau làm nhà mà cộng đồng này có tính gắn kết rất đặc biệt: việc của một người cũng là việc của cả cộng đồng.

Tới nay, cuộc sống bên ngoài tác động khá lớn tới cộng đồng Korowai, nhưng người ta vẫn thích sống trong những ngôi nhà trên cây. Và chính điều đó khiến cho họ trở nên độc đáo.

Thế Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ tộc Korowai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO