Sữa không bị áp giá trần và doanh nghiệp (DN) sẽ tự kê khai giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Đó là thông tin mà Bộ Công thương cung cấp tại hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi tại TP HCM, ngày 18/4.
Người tiêu dùng được lợi từ việc bỏ trần giá sữa. Ảnh: S.Xanh.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau 2 năm 9 tháng áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (đăng ký giá và áp giá trần), vừa qua Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc kết thúc áp dụng các biện pháp bình ổn giá này từ ngày 1/4/2017.
Như vậy, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý theo quy định của Luật Giá, không còn bị áp giá trần. Dự thảo Thông tư về đăng ký giá thông tin, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Công thương xây dựng, thương nhân đầu mối sẽ xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng.
Đồng thời thực hiện việc kê khai hoặc đăng ký giá đối với các cơ quan chức năng của ngành Công thương theo phân cấp. Song song đó, phải thông báo các hệ thống phân phối của mình với các cơ quan chức năng để quản lý và giám sát. Mức giá này sẽ là mức giá bán lẻ cuối cùng của sản phẩm trong toàn hệ thống của thương nhân đầu mối.
Trước thông tin như Dự thảo trên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong ngành nhận định, Dự thảo Thông tư quản lý giá sữa của Bộ Công thương khẳng định việc gỡ bỏ trần giá sữa là phù hợp với xu thế hiện nay, quy luật cung cầu, giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, thị trường tự điều tiết giá.
Điều này vô hình trung mang lại lợi ích cho DN và người tiêu dùng. Bởi khi đó thị trường sữa sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, các DN phải nỗ lực để giành thị phần bằng các biện pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Ông Arnaud Renard- Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham Erocham) đánh giá cao quan điểm quản lý nhà nước trong việc quản lý giá sữa với 3 nội dung cụ thể.
Với ý kiến cho rằng Nhà nước can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết định về giá của DN, ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)- đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư khẳng định, đã làm đúng Luật Giá và các văn bản hướng dẫn. Về kê khai giá, ông An cho rằng, chỉ những DN nào có thay đổi vê giá thì mới phải kê khai lại chứ không phải DN nào cũng kê khai.
Ông An cho biết thêm, trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá không quá 5% DN chỉ cần gửi thông báo về mức giá điều chỉnh cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước khi điều chỉnh giá. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá cộng dồn quá 5% mức giá đã kê khai liền kề trước đó buộc phải thực hiện kê khai giá theo quy định.