Nhiều ý kiến đề xuất rằng cần bỏ khung giá trần để giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho hãng bay. Song trong bối cảnh các công cụ kiểm soát giá thiếu chặt chẽ, việc bỏ trần giá vé máy bay có nên hay không?
Câu chuyện chưa hồi kết
Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Đây là mức giá thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 – 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).
Từ năm 2005, câu chuyện nên hay không nên bỏ trần giá vé máy bay đã được đưa ra tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường hàng không vẫn có doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh, thì việc bỏ giá trần vé máy bay dễ dẫn đến việc DN tự định giá, tự tăng giá, các DN khác cũng sẽ tăng theo, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thanh Tú (Mỹ Đình, Hà Nội) là kế toán của một công ty tổ chức sự kiện thường xuyên đặt vé máy bay cho nhân viên và lãnh đạo công ty bay chặng đường Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, chia sẻ, có những thời điểm giá vé khứ hồi lên hơn 7 triệu đồng/cặp.
“Người dân hay DN chỉ mong giá vé vừa phải mà bay không bị chậm giờ. Hãng nào có giá rẻ hay dịch vụ tốt thì khách chọn. Đó chính là cạnh tranh, vì quyền lợi của người dân” – chị Tú nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn khách hàng không chú ý đến giá trần hay giá sàn vé máy bay, mà chủ yếu mong chi phí đi lại bằng máy bay hạ nhiệt, để việc vận chuyển bằng đường hàng không thuận lợi hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường hàng không Việt Nam chưa đúng nghĩa kinh tế thị trường, bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, việc có giá trần để cơ quan quản lý nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất.
“Càng bay càng lỗ”?
Đó là than vãn của nhiều DN hàng không thời gian qua. Thống kê cho biết năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 305.080 chuyến bay thương mại, tăng gấp 2,34 lần so với năm 2021 và bằng 90,2% chỉ số tương ứng của năm 2019, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. 69 đường bay nội địa đã được các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất.
Song, thực tế, sự phục hồi của các DN vận tải hàng không trong chuỗi cung ứng vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới. Bên cạnh đó, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động... Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại nghịch lý, mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận ở mức âm.
Gần đây, DN hàng không lại một lần nữa đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó yêu cầu bỏ mức trần. Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác. Tuy vậy, không ít chuyên gia cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa thể thực hiện ngay được, khi mà hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít DN tham gia nên rất cần Nhà nước phải quản lý và định giá trần.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, khi còn DN hàng không thống lĩnh thị trường thì không nên bỏ giá trần vé máy bay. Việc áp giá sàn hiện nay là một biện pháp để tránh trường hợp các hãng bay bắt tay nâng giá ở một số tuyến đường bay mà các DN này nắm thị phần chi phối.
Còn TS Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thì cho rằng cần bỏ trần vé máy bay, để cho thị trường quyết định giá dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường. Việc duy trì trần giá vé máy bay sẽ làm các hãng hàng không mất đi cơ hội cải thiện tài chính ở giai đoạn cao điểm. Bên cạnh đó, việc này cũng vô hình trung kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam đã hội nhập, không thể một mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp.