Việc bỏ trần giá sữa nhận được khá nhiều luồng ý kiến từ dư luận. Trong đó không ít ý kiến cho rằng, bỏ trần giá sữa sẽ dẫn đến việc mỗi DN đưa ra một kiểu giá, thị trường sẽ “loạn giá sữa” như đã từng xảy ra những năm trước đây, cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt.
Ảnh minh họa.
Sau hơn 2 năm thực hiện quy định về trần giá sữa, Bộ Công thương cho biết, dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ chính thức công bố việc bỏ áp dụng quy định này. Thay vào đó, các doanh nghiệp (DN) sẽ tự xác định mức giá bán lẻ sữa và đăng ký với cơ quan chức năng. Việc bỏ trần giá sữa đang nhận được nhiều phản hồi từ dư luận, trong đó không ít ý kiến lo ngại, bỏ trần giá sữa sẽ khiến thị trường sữa bị “loạn” giá, và khi đó thiệt thòi nhất chính là người tiêu dùng.
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, để quản lý thị trường sữa, tới đây, khi trần giá sữa đã được dỡ bỏ (hết tháng 3/2017), cơ quan quản lý sẽ có những “biện pháp khung” để quản lý giá, không để giá sữa bị nhảy múa, làm giá như các năm trước đây.
Cụ thể, theo Bộ Công thương, các DN đại lý, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định mức giá bán lẻ sữa cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa. Trên cơ sở khai báo của DN, hợp tác xã đầu mối cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do DN, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.
“Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công thương sẽ thông báo mức giá và thông tin về hệ thống phân phối của từng DN đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng. Đây sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn bộ hệ thống DN, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh”- đại diện Bộ Công thương cho hay.
Việc bỏ trần giá sữa nhận được khá nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Trong đó không ít ý kiến cho rằng, bỏ trần giá sữa sẽ dẫn đến việc mỗi DN đưa ra một kiểu giá, thị trường sẽ “loạn giá sữa” như đã từng xảy ra những năm trước đây, cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thời gian qua giá sữa ‘nhảy múa” trên thị trường khiến cho người tiêu dùng “choáng váng”, không biết đâu mới là giá thực. Việc áp trần giá sữa sẽ giúp người tiêu dùng không bị mất chi phí cho các khâu trung gian còn các đại lí sẽ không thể tự làm giá được, do đó không gây ra những biến động giá trên thị trường.
Liên quan đến việc sẽ bỏ áp trần giá sữa, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng, biện pháp áp trần giá sữa là không công bằng với các DN, công ty có qui mô khác nhau trong nước.
Theo ông Cao Sĩ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, việc áp trần giá sữa là một biện pháp can thiệp mang tính chất phi thị trường, không phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, do đó không nên áp dụng biện pháp này thêm nữa.
Còn theo phản hồi của các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, từ khi biện pháp áp trần giá sữa được triển khai từ tháng 6-2014 bằng Quyết định 1079, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp ngành sữa đã tăng như tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công...
Những thay đổi này đã tác động đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa. Biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được NFG đánh giá là đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ. Bên cạnh đó, biện pháp này không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn nói chung.
Để tránh thực trạng giá sữa sẽ “nhảy múa” khi biện pháp áp trần giá sữa được bãi bỏ, giới chuyên gia kinh tế đưa ra để xuất, nên “thả” giá sữa song các cơ quan chức năng cần giám sát thường xuyên, như vậy vừa có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà lại không bị đi chệch hướng của nền kinh tế thị trường.