Ngày 8/5, tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục. Bộ trưởng khẳng định khi có kết luận thì sẽ căn cứ vào quy chế, theo quy định của pháp luật để xử lý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại cuộc họp.
51 trường hợp vẫn đang theo học vì đủ điểm
Theo báo cáo của Bộ GDĐT về tình trạng vi phạm trong thi cử trong số hơn 220 trường hợp thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có bài thi được nâng điểm, có 51 trường hợp sau khi chấm thẩm định lại vẫn đủ điểm và tiếp tục theo học tại các trường ĐH,CĐ. Tại Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiêm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp sơn so với điểm đã công bố.
Trong đó thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 26,55 điểm, bài thi có điểm nâng cao nhất là 9 điểm. Tại Hòa Bình, có 64 thí sinh được sửa điểm thi, trong đó thí sinh được nâng điểm nhiều nhất là 26,45 điểm, bài thi được nâng nhiều nhất là 9,25 điểm.
Trong 108 thí sinh ở hai địa phương trên, có 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển đại học, cao đẳng, còn lại 1 thí sinh đã nhập học vào Học viện An ninh năm 2017. Hiện 82 thí sinh đã nhập học vào 26 trường đại học, cơ sở giáo dục trong cả nước sau khi chấm thẩm định đã bị các trường buộc thôi học.
Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 12 sinh viên này có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ GDĐT cũng cho biết, sau chấm thẩm định, tại Hà Giang, có 39 thí sinh đã nhập học và hiện đang học tại 23 trường ĐH,CĐ. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm khắc, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử nếu có kết luận đã tham gia vào quá trình gian lận thi cử.
Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 25/5 phải kết thúc điều tra. Quan điểm của Bộ là phải minh bạch và xử lý nghiêm minh vi phạm thi cử. Những trường hợp như phụ huynh, học sinh và những người liên quan đến vi phạm thi cử thì tội danh đến đâu xử lý nghiêm đến đấy và làm nghiêm túc.
Theo Bộ trưởng, đối với những người làm trong ngành giáo dục nếu có liên quan đến vi phạm thì phải xử lý nghiêm để làm gương. Khi cơ quan an ninh điều tra có kết luận thì căn cứ vào đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, trước hết phải đưa ra khỏi ngành. Đối với những thí sinh, khi có kết luận thì sẽ căn cứ vào quy chế, theo quy định của pháp luật để xử lý.
Nhà giáo vi phạm sẽ phải ra khỏi ngành
Đề cập đến vấn đề xã hội quan tâm như vấn đề đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có nhiều văn bản tham mưu cho Chính phủ, riêng ngành đã có 10 Thông tư về vấn đề này từ khung chuẩn nhà giáo, cán bộ quản lý, hiệu trưởng, và sắp tới là chuẩn đổi với những cán bộ phòng giáo dục, sở giáo dục. Qua chuẩn đó để mọi người nhìn thấy trình độ của mình đang ở đâu để mà tiếp tục phấn đấu. “Nhiều địa phương nói đang vượt chuẩn nhưng đó là chuẩn cũ còn theo chuẩn mới còn có các tiêu chuẩn về ứng xử, đạo đức để giáo viên không chỉ là người đi dạy mà còn là nhà giáo dục.
Riêng vấn đề đạo đức nhà giáo, gần đây Bộ đã chỉ đạo công đoàn nghành giáo dục và hiệu trưởng phải vào cuộc để từng giáo viên nhận thức đạo đức của mình, và có chế tài rõ ràng. Ví dụ nhà giáo vi phạm thì đầu tiên là không được lên lớp, ra khỏi ngành hoặc truy tố”- Bộ trưởng nói.
Về kỳ thi quốc gia năm 2019, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm nay sẽ có đổi mới cách ra đề căn bản, trước khi thi sẽ có thêm phần sơ khảo đề bám sát theo tinh thần kiểm tra kiến thức nhưng có sự phân hóa để các trường bám theo. Có ý kiến bỏ thi nhưng về cơ bản cần phải thi vì sau 12 năm học cần thi nghiêm túc để đánh giá chất lượng trên diện rộng chứ không vì một vài hạn chế mà chúng ta bỏ thi.
Bên cạnh đó qua thi thì Bộ còn đánh giá biết được đang yếu ở cái gì, được gì để điều chỉnh nội dung phương pháp giáo dục. Nếu không thi thường kết quả học sẽ xuống thấp, các địa phương vì bệnh thành tích sẽ cho tốt nghiệp hết cho nên cần thi và hoàn thiện đề thi sao cho nhẹ nhàng nhưng phải thực chất. Sẽ đổi mới thi theo hướng nhẹ nhàng, đề thi sẽ tích hợp các kiến thức và dùng công nghệ để các bài thi có cốt, dùng camera để theo dõi thi.
Nhưng quan trọng, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, là làm sao tuyển chọn người có chất lượng vào quá trình tham gia vào kỳ thi. Vì máy móc công nghệ hiện đại đến mấy nhưng người tham gia tổ chức thi có tiêu cực thì cũng khó mà ngăn chặn được tiêu cực. Cho nên các ban chỉ đạo thi cần nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật.