ĐBQH băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức nhà nước xin ra ngoài khu vực tư làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám khu vực công.
Ngày 6/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, ĐB Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động tại nước ngoài ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia và nhiều lao động khác có ý định xuất khẩu lao động. “Dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước là thị trường xuất khẩu lao động sôi động. Vậy cần có giải pháp gì?”-ông Minh cho hay. Băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức nhà nước xin ra ngoài khu vực tư làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám khu vực công, ông Minh đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rồi ở lại, không về nước theo đúng thời gian hiện nay không bức xúc bằng năm 2017. Thời điểm đó đã báo cáo gần 52,5% lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc khiến nước này dừng nhận lao động Việt Nam. Sau đó, Việt Nam kiên trì thực hiện các giải pháp, phía nước bạn xử lý hình sự những người trốn ở lại.
Đến nay, theo yêu cầu của Hàn Quốc, Bộ Lao động thương binh và xã hội dừng xuất khẩu lao động ở 18 huyện của 9 tỉnh có tỷ lệ lao động trốn ở lại nhiều, dó đó, chỉ còn 24,6% lao động hết hợp đồng không về nước.
Về việc lao động nghỉ việc, ông Dung cho rằng dù ở khu vực công hay tư, lao động đều quan tâm đến thu nhập, đời sống, việc làm ổn định. Theo đó lương của lao động phải đủ sống, không chỉ lo cho bản thân, mà còn gia đình.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắk Kạn) bày tỏ băn khoăn về cơ hội việc làm với lao động nữ trên 40 tuổi nếu thất nghiệp. Theo bà Thuỷ, đây là nhóm có nguy cơ cao rút BHXH một lần, Bộ trưởng có biện pháp nào hỗ trợ họ?.
Trả lời, ông Dung cho biết một tháng trước đi kiểm tra và ăn bữa cơm công nhân, ông thấy trên 80% lao động da giày, dệt may là nữ. Mất việc, giãn việc hay trong số hàng triệu công nhân chạy dịch, phần lớn là lao động nữ. Để đảm bảo cơ hội việc làm cho lực lượng này, cần phải chăm lo đào tạo ngay từ khi chưa thất nghiệp bởi nếu đợi đến khi họ 40 là đã mắt mờ, chân chậm, dễ bị chủ sử dụng cắt giảm.
Do đó, cần thực hiện đồng bộ giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo thêm việc làm, thêm phúc lợi như trường học, nhà trẻ cho con em công nhân, đào tạo sớm để nâng cao cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nữ thích ứng trong bối cảnh mới.
Trả lời về hưởng BHXH một lần và Quỹ hỗ trợ người lao động, theo ông Dung, thời gian qua tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.
Do đó về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động thương binh và xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.
Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Dung cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ông Dung cho hay thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.
Về lâu dài, cần sửa Luật BHXH, và các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.