Ngày 27/10, tại TP HCM, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội trong hệ thống tư pháp và hệ thống pháp luật có liên quan - thực tiễn thực hiện và một số kiến nghị, đề xuất”.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, công tác xã hội (CTXH) là một trong số các công cụ quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội. Trong đó, công tác này hướng đến trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội.
Dù vậy, đại diện Bộ này nhìn nhận, lĩnh vực CTXH hiện vẫn còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của CTXH ngày càng tăng; dịch vụ CTXH chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Trưởng ban Trợ giúp Pháp lý của Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, một trong số các khó khăn rất lớn hiện nay là công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý có hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đến với tất cả đối tượng. Hơn nữa, kỹ năng truyền thông và các nội dung, phương thức truyền thông đôi khi chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng.
“Có tình trạng bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý do một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa biết đến công tác này”, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV của Bộ GDĐT cũng nêu một số tồn tại, hạn chế, nhất là cho đến hiện tại vẫn chưa có vị trí việc làm cho nhân viên CTXH ở các nhà trường.
"Vị trí cán bộ CTXH trường học đều là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác được giao làm đầu mối làm CTXH. Các nguồn lực khác để triển khai như cơ sở vật chất, kinh phí đều chưa được các địa phương quan tâm đầu tư. Công tác huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai CTXH trường học chưa được quan tâm", bà Thủy chia sẻ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP HCM cho biết các chính sách trợ giúp pháp lý hiện vẫn còn bất cập, nhất là việc xét xác nhận người nghèo và hộ nghèo; người không có nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập nhưng không được xác nhận là người nghèo, người không có giấy tờ nhân thân.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) kiến nghị, để bảo đảm việc tổ chức thực hiện đồng bộ, đầy đủ với các đối tượng bảo trợ xã hội, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ LĐTBXH chủ trì chỉ đạo các địa phương rà soát các đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng chưa được tham gia BHYT (nếu có). Ngoài ra, tổng hợp số lượng các đối tượng chưa được tham gia BHYT để báo cáo Chính phủ cho phép các “Đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được tham gia BHYT.
Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp cho biết, những tham luận và các ý kiến tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức hội thảo ghi nhận cụ thể để trình với các Bộ ngành liên quan. Qua đó, đẩy nhanh rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trong hệ thống tư pháp và hệ thống pháp luật có liên quan./.