Bất động sản

Bộ Xây dựng chưa đồng thuận việc áp giá trần đối với nhà ở xã hội

Bình Minh 12/05/2025 14:19

Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung quy định về giá trần đối với nhà ở xã hội trong dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù của Quốc Hội. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng đề xuất này cần được xem xét kỹ lưỡng và chưa đồng thuận với đề nghị này.

Bộ Tư pháp đề xuất áp giá trần nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng chưa đồng thuận

Bộ Xây dựng lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Trong báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung quy định giá trần bán và cho thuê nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhà ở với mức giá hợp lý.

Theo Bộ Tư pháp, việc khống chế giá trần sẽ hạn chế tình trạng trục lợi từ chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất đưa vào cơ chế hậu kiểm, nhằm giám sát quá trình triển khai dự án và xử lý các trường hợp sai phạm. Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng việc xét duyệt hồ sơ người mua nhà ở xã hội nên do cơ quan nhà nước thực hiện, thay vì để doanh nghiệp tự triển khai như hiện nay. Mục tiêu là tăng tính minh bạch và công bằng trong phân bổ quỹ nhà ở xã hội.

noh.jpg
Bộ Xây dựng chưa đồng thuận ý kiến áp giá trần đối với nhà ở xã hội do Bộ Tư pháp đề ra. Ảnh: Bình Minh.

Trước những ý kiến từ Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng cho biết, theo Luật Nhà ở 2023, giá thuê nhà ở xã hội gồm kinh phí bảo trì, do chủ đầu tư thỏa thuận với người thuê dựa trên khung giá UBND cấp tỉnh quy định. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị chưa bổ sung quy định giá trần với nhà ở xã hội vào dự thảo nghị quyết.

Dù chưa đưa vào quy định giá trần, Bộ Xây dựng đã tiếp thu nội dung về hậu kiểm và trách nhiệm doanh nghiệp đối với tiến độ, chất lượng, đồng thời bổ sung vào dự thảo quy định ngăn ngừa trục lợi và sai phạm trong triển khai nhà ở xã hội. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đang xây dựng hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó tích hợp dữ liệu về người đã được mua nhà ở xã hội để theo dõi, quản lý. Còn quy định doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, không trục lợi chính sách, tham nhũng... đã được bổ sung trong dự thảo nghị quyết.

Hướng tới mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trên cả nước

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, đến năm 2024 cả nước phát triển 130.000 căn. Tuy nhiên, báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy dù nỗ lực, các địa phương chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.

Theo Quyết định số 444, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương hoàn thành 100.275 căn nhà ở xã hội trong năm nay. Trong đó, Hà Nội được giao hoàn thành 4.670 căn, TPHCM được giao 2.874 căn, TP Hải Phòng được giao 10.158 căn, TP Đà Nẵng được giao 1.500 căn…

Giai đoạn 2025-2030, Thủ tướng giao nhiệm vụ cả nước cần đạt mục tiêu hơn 995.000 căn hộ. Với từng địa phương, từ nay đến năm 2030, Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn hộ; TPHCM phải hoàn thành 69.700 căn hộ; TP Hải Phòng phải hoàn thành 33.500 căn hộ; TP Đà Nẵng phải hoàn thành 12.800 căn hộ…

Đề án này không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp mà còn góp phần ổn định thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Xây dựng chưa đồng thuận việc áp giá trần đối với nhà ở xã hội