Ngày 10/5, Bộ Y tế đã có Công văn số 2569/BYT-PC gửi TAND tỉnh Hoà Bình, Viện KSND tỉnh Hoà Bình đề nghị xét xử phúc thẩm khách quan, công tâm, khoa học trong Vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Vào ngày 30/1, HĐXX TAND thành phố Hoà Bình đã tuyên án (Bản án số 08/2019/HSST) đối với vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa làm 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Ngay sau khi tuyên án, dư luận trong và ngoài ngành y tế đã bất ngờ, bàng hoàng, bất bình dẫn đến hoang mang, lo lắng cho một số bị cáo trước bản án này.
Theo đó, ngày 13/5/2019, Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên (Quyết định số 23/2019/QĐXXPT-HS ngày 26/4/2019). Trước dư luận xã hội đang dậy sóng trên, Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến có trách nhiệm của Chi hội Luật gia Bộ Y tế, của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tâm huyết về y tế, pháp lý, trang thiết bị y tế, hoá học đối với nội dung bản án. Bộ Y tế có một số ý kiến:
Việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn thiếu khách quan và chưa đảm bảo khoa học pháp lý. Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo Hoàng Công Lương, từ tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho đến tội “Vô ý làm chết người” cho thấy Cơ quan điều tra khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội.
Ngay cả việc TAND thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” cũng chưa phù hợp. “Vô ý làm chết người” là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người những tin rằng hậu quả đó không xảy ra (Vô ý ở đây là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
Thông qua các phân tích, Bản án cho rằng bị cáo Lương “ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết trước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả. Xác định lỗi vô ý do cẩu thả” là chưa phù hợp với hành vi khách quan của tội danh này vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân.
Từ các phân tích cho thấy, việc xác định bị cáo Lương phạm tội “Vô ý làm chết người” là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan.
Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn, TAND thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Đỗ Anh Tuấn tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể cũng như hành vi vi phạm.
Đối với bị cáo Trương Quý Dương và bị cáo Hoàng Đình Hiếu, TAND thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Trương Quý Dương và bị cáo Hoàng Đình Hiếu tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không thật sự thuyết phục, khiên cưỡng, yếu chứng lý về yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến chủ thể trực tiếp, gián tiếp hay gián tiếp của gián tiếp của hậu quả dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong.
Nếu phiên toà phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh “Vô ý làm chết người” sẽ là một tiền lệ rất xấu cho nền y khoa Việt Nam. Nếu phiên toà phúc thẩm tuyên xử phạt với các bị cáo một bản án mới không thay đổi so với bản án sơ thẩm sẽ lại tiếp tục gây dậy sóng dư luận xã hội trong và ngoài ngành y tế, có thể gây mất lòng tin của nhân dân.
Để bảo đảm vụ án được điều tra, truy tố, xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội và đảm bảo tính khoa học toàn diện, Bộ Y tế kiến nghị phiên toà phúc thẩm như sau: Việc 8 bệnh nhân tử vong trong chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hoà Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, do tính chất phức tạp của vụ án nên việc xác định chính xác nguyên nhân tử vong, xác định rõ bản chất vụ án cần phải điều tra thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan.
Việc để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng tại BVĐK tỉnh Hoà bình có hậu quả nên cần thiết phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc nhất. Các bị cáo đều phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm đó là lỗi hay tội phạm và mức độ chịu trách nhiệm pháp lý của các bị cáo cũng khác nhau nên phải được điều tra, truy tố xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.