Cuối tháng 2 và tuần đầu tháng 3, không chỉ giới khí tượng thủy văn mà người dân Malaysia, Australia đều ngạc nhiên vì những trận mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt nghiêm trọng. Thường thì vào thời điểm này hầu hết các nơi trên thế giới đều ít mưa và cũng vì thế mà không có lũ lụt. Nhưng nay, được cho là biến đổi khí hậu dẫn tới sự cực đoan của thời tiết nên bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Cuối tháng 2, miền Bắc Malaysia đã phải hứng chịu đợt lũ lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bang Kelantan và Terengganu, khiến gần 20.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chưa hết, chiều tối ngày 7/3, một trận mưa lớn như trút nước kéo dài nhiều giờ đi cùng gió mạnh gào thét đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại thủ đô Kuala Lumpur và các khu vực lân cận.
Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã cảnh báo những thông tin bất lợi về 6 khu vực trong thành phố Kuala Lumpur, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận mưa bất thường.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Malaysia (NADMA), các khu vực ở trung tâm Thủ đô bao gồm Jalan Sultan Ismail, Jalan Ampang, Jalan Leboh Ampang, Jalan Raja Laut, Jalan Kia Peng và Jalan Raja Chulan Brickfields đã bị ngập lụt nghiêm trọng. Tại khu vực Kuchai Lama, nước dâng cao đến 2m khiến hàng đoàn dài ôtô bị mắc kẹt khiến tài xế phải thoát ra ngoài qua nóc xe.
Tại khu vực Kuchai Lama, xe tuần tra của cảnh sát cũng bị nước lũ cuốn trôi.
Trước đó ít ngày, cơ quan chức năng địa phương cho biết, một đợt mưa rất lớn được coi là bất thường trút xuống các bang Kelantan và Terengganu. Giới quan sát thời tiết cho biết, đây là đợt mưa “hiếm hoi” trong vòng 30 năm xảy ra vào thời điểm khô khát. Điều đó cho thấy thiên nhiên ngày một bất thường hơn, khó lường hơn.
Tuy nhiên, không chỉ Malaysia rơi vào tình thế bất lợi này, mà tại Australia, đợt mưa bất thường mới đây cũng dấy lên nhiều lo ngại. Ngày 8/3, cảnh báo lũ lụt ở vùng bờ biển phía Đông Australia đã được ban bố, hàng chục nghìn người dân ở thành phố Sydney phải sơ tán do mưa lũ. Trước đó, những cơn mưa xối xả đã trút xuống Sydney gây ra lũ quét.
Mực nước trên các con sông phía Đông Australia đã cận kề mức báo động sau những trận mưa như trút nước ở một số vùng của các bang Queensland và New South Wales, cô lập các thị trấn, gây ngập lụt nhiều trang trại và đường sá.
Trong hôm 8/3, cảnh sát thành phố Sydney đã thấy một người đàn ông và một phụ nữ đã tử vong bên một chiếc ô tô bị bỏ lại trong kênh nước mưa ở phía Tây thành phố. Trong khi đó, cảnh sát bang Queensland thông tin tại khu vực này đã có tới 20 người kể từ ngày trận “đại hồng thủy” bắt đầu diễn ra. Hầu hết những người được tìm thấy đã chết trong những ngôi nhà bị ngập lụt hoặc trong ô tô khi cố gắng băng qua những con đường ngập lụt.
Chuyên gia dự báo thời tiết Dean Narramore thuộc Cơ quan Khí tượng Australia cho biết, lũ lụt từ mức độ trung bình đến lớn đã xảy ra từ vùng biên giới bang Queensland đến bang Victoria trải dài khoảng hơn 1.555 km. Ông Narramore cho biết lượng mưa lên tới 200 mm trên khắp thành phố Sydney trong 24 giờ, và cũng chỉ tạm ngớt vào cuối ngày 9/3.
Trước đó chừng mười ngày, ngày 28/2, hàng chục nghìn người ở Australia đã được lệnh đi sơ tán khi mưa xối xả khiến nước lũ dâng cao kỷ lục, nhiều người dân bị mắc kẹt trên các mái nhà của họ. Cơ quan thời tiết của Australia cảnh báo, những trận giông bão nghiêm trọng lượng mưa dữ dội sẽ gây ra “lũ quét đe dọa tính mạng” đối với vùng ven biển.
Tại thị trấn Lismore, bang New South Wales, cô Danika Hardiman thức dậy vào sáng 28/2 và phát hiện nước lũ đục màu bùn đã tràn đến ban công căn hộ tầng hai của ngôi nhà. Cô và những người khác cố gắng leo lên mái nhà. Hardiman kể lại: Thật là kinh khủng! Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một chiếc thuyền lướt qua mái nhà của người dân. Bạn không biết mình sẽ ra sao giữa những thác nước réo lên ầm ầm khắp bốn chung quanh.
Thị trưởng Steve Krieg của thị trấn Lismore cho biết đây là trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử mà thị trấn này phải trải qua. Ông mô tả đó là “trận bom mưa” không rơi vào mùa mưa, và đó mới là điều tệ hại nhất.
“Người ta an ủi chúng tôi rằng những trận mưa ấy cũng không có gì đáng phải lo lắng quá. Nhưng chúng tôi biết rằng thời tiết đã trở nên cực đoan. Không chỉ là mưa to gió lớn mà còn là những vùng đất hoang hóa vì băng tuyết và những cánh rừng già bỗng dưng bốc cháy”- cô Danika Hardiman nói với truyền thông New South Wales.