Hầu hết doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ cho rằng, cái khó nhất để phát triển ngành này chính là vốn. Trường hợp gỡ khó được nguồn vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ thật sự “cất cánh”.
Với mục đích đưa DN đến gần ngành công nghiệp hỗ trợ hơn TP HCM quyết định hỗ trợ DN về vốn để đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Theo kế hoạch của UBND TP HCM, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho 1 dự án. Đối với các dự án có yêu cầu mức vốn vay trên 200 tỷ đồng hay thời gian vay trên 7 năm UBND thành phố sẽ xem xét và quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
Lãnh đạo thành phố cho biết thêm, thành phố sẽ hỗ trợ không quá 70% lãi suất với phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và không quá 85% phần vốn đầu tư công nghệ thiết bị.
Lĩnh vực hỗ trợ được cụ thể hơn với việc đưa ra danh mục các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí (17 danh mục); hoá chất nhựa, cao su (10 danh mục); chế biến lương thực – thực phẩm (2 danh mục); điện tử - công nghệ thông tin (14 danh mục và 2 ngành truyền thống là dệt may (5 danh mục); da giày (2 danh mục).
Dựa trên kế hoạch hỗ trợ nguồn vốn cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, đại diện một số ngân hàng khẳng định, ngân hàng sẽ đồng hành cùng TP HCM trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua chương trình cho vay đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố với quy mô 10.000 tỷ đồng.
Đây là gói sản phẩm được thiết kế trên cơ sở nhu cầu thực của DN. Chương trình hỗ trợ lãi suất hướng tới mục tiêu khuyến khích DN đổi mới trang thiết bị, gia tăng năng lực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Trước thông tin hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ, rất nhiều DN trong ngành đồng tình ủng hộ, song DN cũng kiến nghị những yêu cầu mang tính cụ thể hơn, dài hơi hơn.
Đại diện Công ty Đúc khuôn mẫu đề xuất, thành phố nên xem xét về thời gian vay dài hơi hơn để hỗ trợ DN có điều kiện thu hồi vốn, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh khi tới hạn trả vốn vay.
Các doanh nghiệp đúc khuôn mẫu có những đơn hàng mất đến mấy năm mới đi tới ký kết hợp đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư công nghệ thiết bị rất cao.
Đại diện Sở Công thương TP HCM, ông Phạm Thành Kiên- Giám đốc Sở cho biết, UBND thành phố sẽ xem xét và giải quyết cho từng trường hợp DN. DN có nhu cầu vay vốn và đánh giá về tính khả thi của dự án mạnh dạn gửi hồ sơ lên đề nghị xét duyệt hỗ trợ lãi xuất vốn vay.
Theo Sở Công thương TP HCM, trong vòng 3 ngày hồ sơ sẽ được Trung tâm phát triển công ghiệp hỗ trợ chuyển đến các thành viên Tổ liên ngành kiểm tra. Tiếp đó, trong 5 ngày kể từ khi Sở Công thương nhận được hồ sơ sẽ tổ chức thẩm tra, xem xét đánh giá. 3 ngày tiếp theo là thời gian hồ sơ chuyển lên UBND thành phố. UBND cũng sẽ ra quyết định phê duyệt hỗ trợ lãi vay cho các dự án trong 3 ngày.