Bộn bề Thung Cớn

NGUYỄN CHUNG 09/10/2022 07:49

Chỉ nằm cách trung tâm thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa chừng 3km nhưng khu phố 12, Thung Cớn thuộc phường Bắc Sơn như một vùng đất bị quên lãng do nằm trong vùng biệt lập. Đời sống của 219 nhân khẩu nơi này đang gặp rất nhiều khó khăn: Không đường, không điện, không trạm y tế…

Đường vào Thung Cớn.

Vùng đất bị quên lãng

Sau cung đường ngoằn nghèo rải đá cấp phối dài đến gần 15km dẫn từ thành phố Tam Điệp, Ninh Bình vào một dải thung lũng hẹp, cuối cùng Thung Cớn cũng mờ ảo hiện ra sau màn mưa giăng trắng xóa. Thưa thớt dưới các tàng cây phủ bóng là những ngôi nhà cấp 4 rêu phong, im lìm. Sau các ô cửa, vài ánh mắt lặng lẽ dõi theo khách lạ… Một không khí buồn bã bao trùm Thung Cớn.

Tôi dừng xe trước con đường mòn giờ đã hóa dòng suối nhỏ dẫn thẳng lên đỉnh đồi trồng toàn dứa lẫn với cỏ dại. Nước từ đây mang theo cát sỏi, lá mục đổ thẳng vào sân một căn nhà mái bằng xập xệ. Phía trước cổng là người đàn bà khoác tấm áo mưa đang ráng sức vần những viên gạch xi măng, xếp thành bờ để ngăn nước lũ đổ vào nhà. Thấy bóng người lạ, bà ngưng tay hỏi “Các chú tìm ai?” - bà Mai Thị Thuyết, cư dân của Thung Cớn bắt đầu câu chuyện với tôi bằng vẻ mặt đầy cảnh giác như thế.

Rồi như trút nỗi niềm đã bị dồn ứ lâu nay, bà Thuyết kể: Từ những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình bà cùng vài hộ dân nghèo đói khác tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn dắt díu nhau lên đây dựng nhà, phát lau lách sinh cơ lập nghiệp. Cuộc sống cũng đủ ăn trong tằn tiện. Với đặc thù địa hình là thung lũng được bao bọc giữa những dãy núi đá vôi, nên dù chỉ nằm cách trung tâm thị xã Bỉm Sơn non 3km, nhưng Thung Cớn như một thế giới khác-một thế giới bị bỏ quên.

Muốn đến được trung tâm thị xã Bỉm Sơn, bà Thuyết cùng dân làng phải đi vòng theo cung đường từ đây ra thành phố Tam Điệp rồi quặt lại. Cũng có vài con đường mòn gần hơn dẫn vào Bỉm Sơn được người dân tự bảo nhau làm, nhưng những lối đó chỉ có thể sử dụng vào mùa khô, còn mùa mưa thì chịu. Khó khăn bởi đường sá đi lại nên lũ trẻ từ mẫu giáo đến cấp 2 đều phải cậy nhờ vào thành phố Tam Điệp. Cho đến cấp 3, các trường học tại Tam Điệp không còn nhận học sinh trái tuyến, các cháu lại phải đạp xe gần 20km vào trung tâm thị xã Bỉm Sơn theo học.

Bà Mai Thị Thuyết xếp gạch ngăn nước mưa đổ vào nhà.

Học “lách”, kéo điện “chui”

Để tránh việc con em học hành trái tuyến, người dân nơi đây đã phải “lách”, bằng cách xin ghép khẩu con em mình vào hộ có quen biết ở phường Nam Sơn. Nhưng với con em những hộ thuộc diện nghèo đã phải chịu thiệt thòi vì không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước, do hộ gia đình họ ghép khẩu không phải là hộ nghèo…

Cũng vì núi đồi cách trở, người ốm đau phải đưa đến hệ thống y tế tại Tam Điệp chạy chữa, chăm sóc. Không đường, không điện lưới đã khiến đời sống của người dân Thung Cớn mấy chục năm qua rất chật vật. “Thế hệ chúng tôi, có người đến cuối đời cũng chỉ mong một lần được vào trạm y tế phường khám chữa bệnh mà không được”, bà Thuyết than thở.

Rời nhà bà Thuyết, tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Nhâm-trưởng khu phố 12 Thung Cớn. Bà Nhâm cho hay: Năm 1991, phường Bắc Sơn được thành lập, thì khu phố 12 ra đời, có chi bộ Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trước đó, Thung Cớn thuộc phường Ba Đình, nơi mà người dân từ các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa đến định cư, sinh sống từ những năm 1960. Do nằm trong vùng biệt lập nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Nhất là giao thông gặp khó nên bao lâu nay người dân nơi đây thường gắn với TP Tam Điệp nhiều hơn là với thị xã Bỉm Sơn. Trừ khi có việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, thì người dân mới về trung tâm phường. Bên cạnh đó là khó khăn về điện lưới. Bà Nhâm cho biết: Kể từ khi thành lập phường đến nay, Thung Cớn chưa bao giờ nằm trong kế hoạch được kéo điện lưới quốc gia.

Do nhu cầu sử dụng điện ngày càng cấp thiết, bắt đầu từ năm 1997 đến năm 2012, người dân tại Thung Cớn đã góp hơn 30 triệu đồng mỗi hộ, mua sắm hàng trăm cây cột bê tông, hàng nghìn mét dây để kéo điện “chui”. Hơn 40 hộ ở phía Bắc khu phố thì kéo điện từ tổ dân phố 16, phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình sang. Số hộ còn lại ở phía Nam thì kéo điện từ khu phố 10, phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) về. Trong khi đời sống chủ yếu dựa vào cây dứa, thì việc bỏ ra hơn 30 triệu đồng mỗi hộ để đầu tư đường điện là quá sức với người dân nơi đây.

Cũng do đường dây nhỏ, khoảng cách đến trạm biến áp xa, mức hao hụt điện năng lớn, nên nguồn điện rất yếu, chập chờn, không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Toàn bộ hộ gia đình ở khu phố 12 vẫn duy trì bếp củi và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một chiếc điều hòa nhiệt độ nào ở đây. “Chúng tôi phải chia nhau chi phí điện năng hao hụt hàng tháng do đường dây quá dài, nên đẩy giá điện lên cao. Giá điện được áp dụng mức chung theo đầu số, không tính theo khung bậc thang. Chúng tôi ngày đêm mong Nhà nước đầu tư lưới điện cho Thung Cớn”, bà Nhâm nói.

Chờ đến bao giờ?

Đâu là nguyên nhân khiến Thung Cớn sau hàng chục năm vẫn chưa được đầu tư lưới điện quốc gia? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi đã đến UBND thị xã Bỉm Sơn, rồi bất ngờ với lý do được đưa ra: Thung Cớn chưa được quy hoạch dân cư. Đây chính là nguồn cơn, là căn nguyên, là nút thắt buộc cuộc sống của người dân nơi đây luẩn quẩn trong bộn bề khó khăn. Và cho đến nay, cả khu vẫn còn 9 hộ thuộc diện nghèo, chiếm gần 15% dân số của phố. Mặt khác theo quy định, nếu chưa được quy hoạch dân cư thì sẽ rất khó lập các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có lưới điện. Không có quy hoạch dân cư cũng đồng nghĩa là khu phố không có đất ở, toàn bộ nhà dân đã xây dựng trái phép?

Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn Trần Nam Chung lý giải: Khu phố 12 có nhà văn hóa, có điểm trường mầm non, dân cư có sổ hộ khẩu thường trú, nhưng lại chưa phải là khu dân cư. Thực tế nhà dân đã xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp từ lâu. Cách lý giải của ông Chung khiến tôi thực sự bất ngờ.

Cũng nói về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Bỉm Sơn Lại Thế Anh cho biết: Những khó khăn của bà con nhân dân tại Thung Cớn lâu nay lãnh đạo đều biết cả. Nhưng cái khó khăn nhất là Thung Cớn không nằm trong quy hoạch khu dân cư. Mà đã không nằm trong quy hoạch thì không được lập dự án đầu tư hệ thống điện của Nhà nước.

“Để giải quyết vấn đề này, mới đây UBND thị xã đã mời lãnh đạo điện lực tại Thanh Hóa về làm việc. Phía điện lực cũng đã đồng ý cho khảo sát và lập dự án trình với Tập đoàn Điện Lực. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trình vậy thôi chứ có được phê duyệt hay không lại là chuyện khác”, ông Thế Anh cho biết.

Tôi rời khu phố 12 khi trời xẩm tối. Vài ánh đèn vàng vọt, le lói sau những rặng cây. Không lẽ Thung Cớn vẫn bị lãng quên…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộn bề Thung Cớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO