Tròn 3 năm trở lại cố đô Yangon kể từ SEA Games 2013, thành phố này vẫn bình dị và gần gũi, dù sức phát triển đến chóng mặt. Trên những con phố quen thuộc mà chúng tôi bước đi, có cảm giác AFF Cup không tồn tại, dù Myanmar là nước chủ nhà. Không băng rôn, không cờ quạt, từ sân bay đến trung tâm thành phố, chẳng có sự hiện diện nào của ngày hội bóng đá số 1 khu vực.
Cổ động viên đến sân cổ vũ bóng đá.
Yangon đổi thay mà gần gũi
Ba năm trước thôi, những toà nhà cao tầng có lẽ là “của hiếm” của thành phố đông dân nhất Myanmar, nhưng giờ thì đã thay đổi hoàn toàn. Giữa trung tâm thành phố, những toà nhà mọc lên như nấm. Ngay cả ở ngoại thành, Myanmar cũng xây dựng nhiều khu chung cư hiện đại, khu biệt thự dài hàng chục cây số.
Từ sân bay vào trung tâm thành phố, chúng tôi cảm nhận rõ nhất sự đổi thay nơi đây. Anh đồng nghiệp của tôi nói vui rằng, có lẽ 10 năm nữa, không, chỉ 5 năm nữa thôi, Hà Nội sẽ bị Yangon vượt qua.
Dự đoán ấy là hoàn toàn có cơ sở. Sự đầu tư tăng theo cấp số nhân của các doanh nghiệp nước ngoài vào Myanmar, biến nơi đây thành một thị trường giàu tiềm năng bậc nhất khu vực, thậm chí châu Á. Và, dĩ nhiên người Myanmar được hưởng lợi nhất, từ các công trình giao thông, các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đâu đâu cũng thay đổi từng ngày.
Việt Nam nhiều năm tự hào là đất nước có mạng 3G mạnh và phủ khắp nơi, thì Myanmar sau vài năm mở cửa đã có 4G. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ để so sánh khả năng bắt kịp thời đại, đi tắt đón đầu của Myanmar.
Yangon là một thành phố rất đặc biệt-ít nhất là về vấn đề giao thông. Hệ thống giao thông của Yangon rất đơn giản, thậm chí là cũ kỹ bởi những phương tiện đã “quá tuổi” sử dụng.
Cở sở hạ tầng ở thành phố này cũng lạc hậu, giờ cao điểm vẫn có tắc đường, nhưng có một điều mà ai cũng phải thừa nhận là đường sá của thành phố này được quy hoạch ngăn nắp, khoa học, tạo cảm giác thật sự dễ chịu, thoải mái khi di chuyển.
Những lái xe taxi tại Yangon nói tiếng Anh khá tốt, nhưng cũng có một số ít chỉ nói bồi. Taxi là phương tiện chủ yếu tại Yangon, bên cạnh những chiếc xe bus cũ kỹ và ô tô riêng cho những người thu nhập cao.
Xe bus tại Myanmar được nhà nước hỗ trợ giá, nên giá vé rất rẻ. Tuy nhiên, hệ thống xe bus dường như sử dụng nhiều năm, nên xuống cấp khá nghiêm trọng.
Ở ngay trung tâm thành phố với những con đường 6 làn đẹp mắt, bạn cũng có thể bắt gặp xe bus cũ kỹ nêm chặt người, nhả khói đen xì. Có những xe bus loại nhỏ, người đi xe thậm chí còn ngồi cả trên nóc, bám đu đằng sau trông rất nguy hiểm.
Nhưng đó là văn hoá của người Myanmar và họ cảm thấy không có gì phải xấu hổ với người nước ngoài, mà ngược lại còn rất tự hào. Anh Khant Thaw Aung-một lái xe taxi, nói với tôi trong sự hãnh diện: “Yangon phát triển nhanh lắm, đến độ nếu chỉ 1 năm trở lại có lẽ bạn sẽ không nhận ra. Nhưng người dân chúng tôi vẫn giữ được văn hoá truyền thống, có chăng chỉ là những thay đổi mang chiều hướng tích cực, hội nhập với xu thế thế giới”.
Là cố đô của Myanmar, Yangon vẫn còn giữ được nét văn hoá truyền thống. Ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh của những ánh mắt thân thiện, nụ cười rạng rỡ và luôn sẵn lòng giúp đỡ bất cứ điều gì. Tính cách hiền lành, hiếu khách nhưng cũng rất cầu thị của người dân Yangon đã tạo nên một vẻ đẹp khó lẫn vào đâu được của thành phố này.
Bóng đá giúp con người xích lại gần nhau
Vòng bảng AFF Cup (bảng B) đã khép lại. Sân Thuwunna đã có những bữa tiệc bóng đá thực sự, với sự cuồng nhiệt của 3 vạn khán giả cổ vũ cho đội chủ nhà Myanmar. Việc tổ chức một bảng đấu AFF Cup, là một sự khẳng định vị thế, uy tín của Myanmar với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Bóng đá đã giúp ngành du lịch của Myanmar, cụ thể là Yangon đón thêm nhiều lượng khách đến du lịch, qua đó quảng bá thêm hình ảnh, đất nước mình. Bóng đá cũng mang lại những cơ hội kinh doanh, làm ăn, hợp tác. Trên hết, bóng đá đã mang lại niềm vui, giúp cho các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau hơn.
Trong các phát biểu của mình trước truyền thông quốc tế, HLV Gerd Zeise của Myanmar luôn nhấn mạnh một điều “tuyển Myanmar sẽ thi đấu hết mình để đáp ứng sự kỳ vọng của người hâm mộ”.
Lời nói của HLV người Đức phản ánh một thực tế là bóng đá đã và đang trở thành cây cầu nối mọi miền đất, san bằng những khoảng cách về tín ngưỡng, tôn giáo, sắc tộc tại Myanmar.
Người Myanmar rất yêu bóng đá. Đó là ấn tượng của Abdul Salam Rahaman, tuyển trạch viên có chứng chỉ của FIFA, chuyên tìm kiếm tài năng trẻ cho LĐBĐ Myanmar từ 5 năm qua.
“Tôi hay bạn có thể thấy rõ là bóng đá đã đoàn kết người dân Myanmar, đơn giản vì họ yêu bóng đá. Đó là sự kỳ diệu mà người ta chỉ có thể trông cậy vào bóng đá - môn thể thao xóa nhòa mọi ngăn cách, hận thù về quan điểm chính trị, sắc tộc, tôn giáo.
Cũng như khi đội tuyển U20 Myanmar tham dự World Cup U20 - 2015 tại Newzealand hay thi đấu tại AFF Cup 2016 hay khi Manchester United thi đấu với Arsenal tại Premier League, người ta có thể thấy người Hồi giáo, Phật giáo ngồi sát bên nhau, cùng reo hò, cổ vũ và ôm nhau vui mừng khi đội bóng ghi bàn hay giành chiến thắng”.
Người ta có thể thấy rõ bóng đá Myanmar đang có sự hồi sinh mạnh mẽ khi công tác đào tạo và phát triển tài năng trẻ được quan tâm và đầu tư xứng đáng, trong đó có vai trò không nhỏ của khoản tiền 2 triệu USD từ FIFA đổ vào các dự án Goals tại Myanmar.
Ngay chính giữa thành phố Yangon, một Học viện đào tạo cầu thủ trẻ đã và đang được xây dựng, nhằm cung cấp cho các đội tuyển quốc gia Myanmar những thế hệ tài năng mới.
Sống chậm ở Myanmar.
Một Yangon sống chậm, một Yangon không bóng đá
Bóng đá luôn mang tới những cảm xúc, có cả niềm vui và nỗi buồn. Bóng đá mang lại nhiều giá trị to lớn vượt qua cả khuôn khổ của một giải đấu, một thành phố, một quốc gia, thậm chí một khu vực.
Sẽ chẳng ai phủ nhận bóng đá có ý nghĩa to lớn như vậy, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên khi dù ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực đang diễn ra tại hai thành phố Yangon và Nay Pyi Taw, thì vẫn có những người dân Myanmar không hề hay biết về sự kiện này. Với họ, điều quan tâm hơn cả là bữa cơm manh áo, là cuộc mưu sinh rất đỗi nhọc nhằn…
Zin Swe Oc-một người phụ nữ tuổi trung niên, đã có 5 năm làm nghề bán báo dạo ở Yangon, tỏ vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi tìm mua những tờ báo thể thao hay liên quan đến bóng đá: “Ồ, tôi lại không biết AFF Cup đang diễn ra. Nếu biết tôi đã nhận thêm báo để bán. Nhưng phải nói thật là bán báo thể thao giờ khó lắm. Giới trẻ giờ họ quan tâm nhiều hơn đến những cái khác”.
Trên con đường Parami tấp nập xe cộ, vào đúng giờ đội tuyển Myanmar thi đấu, nhưng cánh taxi lại bật đài nghe một chương trình ca nhạc nào đó.
Đơn giản bởi âm nhạc mang lại những giây phút giải trí sảng khoái, giúp các tài xế tỉnh táo hơn, thay vì chỉ nghe hay xem một vài tình huống thi đấu trên sân, rồi lại phải tắt khi có khách tới.
Ở sâu thẳm trong từng ngõ ngách, nhịp sống của người dân Yangon vẫn trôi chầm chậm. Tôi hỏi anh Min Thu – một thợ sửa ô tô: “anh có thích bóng đá không, có thích tới sân cổ vũ cho đội tuyển Myanmar không”. Đáp lại câu hỏi là một cái gật đầu nhè nhẹ, nhưng ánh mắt, nét mặt dường như chẳng quan tâm tới câu hỏi của chúng tôi.
“Tôi cũng thích bóng đá đấy, nhưng làm gì có thời gian để chơi, để xem. Có chăng tôi chỉ xem lại mà thôi”, Min Thu vừa nói, vừa bước đi vào một con ngõ nhỏ - nơi mà mọi nhà đều im lìm không một tiếng hò hét, hay chỉ là những tiếng của bình luận viên nói về trận đấu của chủ nhà đang diễn ra.
Một thành phố có sức phát triển như vũ bão, một thành phố đăng cai sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất khu vực, nhưng bên cạnh những bề nổi, sự ồn ào và náo nhiệt, vẫn còn đó nhịp sống chầm chậm, lặng lẽ với những chiếc xe đẩy, những tiếng rao của người bán bánh mì, bán báo, những âm thanh phát ra từ một xưởng cơ khí ở cuối con hẻm…