Góc nhìn Đại Đoàn Kết

“Bông hồng” và thế giới ảo

Miên Thảo 08/03/2024 07:06

Hôm nay, 8/3, Ngày Quốc tế phụ nữ. Ngày mà những “bông hồng thế gian” nhận được những lời chúc đầy yêu thương. Càng ngày “một nửa nhân loại” ngày một hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trên bước đường thênh thang đó, những người phụ nữ cũng luôn đối mặt với thách thức. Mà việc gặp “tai ương” trên không gian mạng là một trong những rủi ro cần phải được cảnh báo.

Thực tế cho thấy, việc ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, khi mà những vụ lừa đảo trên không gian mạng gia tăng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, có khoảng 30 loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao khác nhau, như lừa tiền, lừa tình, quấy rối tình dục… Tại Việt Nam, vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em an toàn trước nạn mua bán người là một trong những nội dung được cả hệ thống chính trị quan tâm. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, rất cần cảnh báo khi một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cho thấy, tại Việt Nam, cứ 10 nạn nhân lừa đảo trực tuyến đã có 9 người là phụ nữ. Chỉ trong quý 3 năm 2023, đã có đến 790 vụ lừa đảo trên mạng được phát hiện. Con số này tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, rất nhiều phụ nữ bị lừa đảo trên mạng. Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thói quen sử dụng mạng xã hội của phụ nữ khác với nam giới; nhu cầu chia sẻ, tâm sự của phụ nữ cao hơn so với nam giới. Đặc biệt, những nội dung liên quan mua bán, quảng cáo, tỷ lệ phụ nữ tham gia cao gấp rưỡi so với nam giới. Cạnh đó, phụ nữ có nhu cầu rất chính đáng là tìm được việc làm mà vẫn có thể chăm sóc được con. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ đang bị rơi vào cái bẫy làm việc online tại nhà và trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.

Vấn đề ở đây là để có thể khai thác tối đa hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an toàn khi hoạt động trên không gian mạng, người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm trên không gian mạng. Riêng với phụ nữ, điểm mạnh là “mềm lòng” và điểm yếu cũng là “mềm lòng” nên nếu không biết tự bảo vệ sẽ rất rủi ro, không chỉ bị lừa đảo mà còn là bị “bới móc” đời tư với nhiều hệ lụy khó lường.

Theo Luật sư Hà Huy Từ - Công ty Luật Hà Huy, để phụ nữ được an toàn trên không gian mạng, phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Ở khía cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức liên quan đến đến an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, giao dịch điện tử và phải tăng cường việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm an toàn thông tin mạng; các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội. Căn cứ vào tính chất, mức độ, các yếu tố lỗi, các yếu tố khách quan, chủ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn chủ đề công tác năm 2024 là “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, hội viên ứng dụng công nghệ thông tin một cách an toàn, để có thể tham gia vào xã hội số.

Hôm nay, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, phái đẹp được tôn vinh và cả xã hội phải chung tay để phụ nữ an toàn, hạnh phúc không chỉ trên không gian mạng mà là cả cuộc đời. Chính vì thế, bên cạnh những lời chúc tốt lành, phải là những hành động thực tế, trong đó có việc làm gì để phụ nữ an toàn trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Bông hồng” và thế giới ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO