Bức tử 'con nợ'

Lê Anh Đức 04/07/2020 08:04

Nếu thực sự không còn những công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen thì làm sao có chuyện vợ chồng ông Tâm bị bắt giữ trái pháp luật, làm gì có chuyện đe dọa giết người nếu không trả được nợ, tất nhiên cũng sẽ không có chuyện ông Tâm tự tử.

Những ngày qua, dư luận xã hội bức xúc trước việc ông Lê Thành Tâm (phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM) đã phải tự tử vì bị nhóm đòi nợ thuê đe dọa. Đáng nói, không phải ông Tâm vay nợ của xã hội đen mà lại vay từ một công ty tài chính có tiếng thông qua dịch vụ credit.

Tuy nhiên, khi đến kỳ trả nợ, do chưa được thanh toán nên công ty tài chính trên đã thuê những kẻ côn đồ đến nhà bắt giữ ông Tâm và vợ đi ép viết giấy nợ và dọa sẽ giết nếu không trả nợ trước ngày 22/6. Quá sợ hãi, ông Tâm đã tự tử.

Cái chết của ông Lê Thành Tâm chỉ là giọt nước tràn ly, bởi thời gian qua thực trạng một số ngân hàng, công ty tài chính đã thường xuyên sử dụng những kẻ đòi nợ kiểu xã hội đen đến đe dọa khách hàng, nếu họ không trả nợ đúng hạn.

Hành vi đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật đều là những hành vi bị cấm, các ngân hàng và công ty tài chính biết vậy, nhưng họ vẫn không ngần ngại sử dụng thủ đoạn đê hèn trên. Đáng tiếc là cho đến nay, chưa có bất cứ cá nhân, tổ chức nào phải trả giá nên có vẻ như chưa ai biết sợ.

Và cái chết thương tâm của ông Lê Thành Tâm chính là hồi chuông báo động về sự bất lương, thái độ coi thường pháp luật của lãnh đạo một số ngân hàng, công ty tài chính. Lúc cho vay thì họ dỗ ngon dỗ ngọt khách hàng rằng cứ tiêu đi, lãi suất thấp thôi. Nhưng đến kỳ hạn mà khách hàng chưa thanh toán, họ sẵn sàng thuê côn đồ đến đe dọa, đánh đập, thậm chí bắt đi nhốt ở một nơi nào đó. Mọi hành vi táng tận lương tâm đó chỉ để phục vụ mục đích tối cao, đó là đòi được cả gốc và lãi của khách hàng.

Thực tế thì lãi suất cho vay của một số ngân hàng và công ty tài chính thông qua dịch vụ credit đều vượt quá 40%/năm, thậm chí lên tới 70-80%/năm. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay là sự thỏa thuận giữa các bên thể hiện trong hợp đồng, song không được vượt quá 20%/năm.

Ấy vậy nhưng hầu hết các dịch vụ credit của các ngân hàng, công ty tài chính đều vượt ngưỡng này lại không hề bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” hay cơ quan công an “hỏi thăm sức khỏe”.

Đó chính là nguồn cơn của những vụ việc đau lòng, đỉnh điểm là cái chết của ông Lê Thành Tâm ở quận Gò Vấp, TP HCM. Nếu như Ngân hàng Nhà nước làm tròn vai, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, có lẽ đã không có những khách hàng như ông Tâm bị sập bẫy.

Chẳng phải cũng vì sự thiếu trách nhiệm mà cách đây vài năm xảy ra “cuộc đua” giảm lãi suất, chi lãi ngoài của các NH TMCP, để rồi hàng loạt cán bộ OceanBank và PVN phải lâm vòng lao lý đó sao?!

Giờ đây, với việc dịch vụ credit của các ngân hàng, công ty tài chính mọc lên như nấm sau mưa rào, trong khi công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng thì cuối cùng phần thiệt thòi vẫn luôn thuộc về khách hàng.

Ai chẳng có lúc túng thiếu, khó khăn, nhỡ nhàng, vậy thì làm sao tránh khỏi những lời mời chào đường mật của các nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty tài chính về những điều hay ho của dịch vụ credit? Lúc cho vay thì rõ ngọt, rõ khéo, nhưng lúc đòi nợ lại dữ như trằn tinh.

Song, ngay cả khi ngân hàng chưa làm tròn trách nhiệm, công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, nhưng nếu các công ty đòi nợ thuê theo hình thức xã hội đen bị lực lượng công an dẹp bỏ triệt để thì cũng đâu có xảy ra những vụ việc đau lòng.

Nếu các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê chỉ cần có dấu hiệu đòi nợ kiểu băng nhóm xã hội đen lập tức bị bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự, không có ngoại lệ, không dung túng, bảo kê thì đâu có thể xảy ra những vụ việc lộng hành, bắt giữ, đe dọa, đánh đập con nợ vẫn xảy ra ở một số địa phương.

Nếu thực sự không còn những công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen thì làm sao có chuyện vợ chồng ông Tâm bị bắt giữ trái pháp luật, làm gì có chuyện đe dọa giết người nếu không trả được nợ, tất nhiên cũng sẽ không có chuyện ông Tâm tự tử. Và không có các nhóm côn đồ đòi nợ thuê thì các ngân hàng, công ty tài chính thuê ai để đe dọa con nợ nhằm mục đích đòi tiền?

Song, thực tế lại không như vậy. Hiện trên toàn quốc còn tồn tại khá nhiều những ổ nhóm đòi nợ theo kiểu xã hội đen chưa bị triệt phá, để rồi sẵn sàng nhận “hợp đồng” của các tổ chức tín dụng đi “săn con mồi”.

Việc công ty tài chính thuê người bắt giữ, đe dọa khiến ông Lê Thành Tâm phải tự tử chính là hành vi bức tử khách hàng. Sau khi Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp và Công an TP HCM điều tra rõ chân tướng sự việc, thì không chỉ có nhóm đòi nợ thuê phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, mà cá nhân, tổ chức thuê chúng cũng không thể thoát tội.

Song, dù có bỏ tù hết đám côn đồ cùng những người liên quan, giải tán công ty tài chính nói trên thì ông Lê Thành Tâm cũng không thể sống lại được. Vậy nên các cơ quan chức năng hãy kịp thời hành động, đừng để ai phải chết như ông Tâm nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức tử 'con nợ'