Bùi Thạc Chuyên với 'Tro tàn rực rỡ'

Thiên Hy (thực hiện) 09/12/2022 08:32

Quay trở lại với điện ảnh sau 10 năm vắng bóng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tạo tiếng vang lớn khi tác phẩm “Tro tàn rực rỡ” trở thành phim Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khinh khí cầu Vàng - hạng mục Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Ba châu lục diễn ra ở Nantes, Pháp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

PV: Bộ phim “Tro tàn rực rỡ” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Củi mục trôi về” và “Tro tàn rực rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sau khi công chiếu, nhà văn có trao đổi gì với ông về cảm nhận sự giao thoa giữa truyện và điện ảnh không, thưa đạo diễn?

Đạo diễn BÙI THẠC CHUYÊN: Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư rất kín đáo và có lẽ tôi cũng hiểu tâm lý của nhà văn. Bởi sau khi nhìn đứa con tinh thần của mình ở một thể khác, một ngôn ngữ khác cũng không phải điều dễ dàng, vì nó đã hằn trong tâm trí rồi. Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Tư cũng luôn nghĩ rằng, đánh giá tác phẩm là việc của người khác, không phải việc của mình. Xem xong, cô ấy không nói gì, nhưng tôi nghĩ, nhà văn cũng cảm thông về sự khác biệt và lạ lẫm. Tôi rất cảm ơn Nguyễn Ngọc Tư vì đã tạo điều kiện hỗ trợ cho đoàn phim, bỏ công để sửa lời thoại trong phim.

Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”.

Một số người yêu văn Nguyễn Ngọc Tư cho rằng, cách kể bằng điện ảnh của “Tro tàn rực rỡ” đôi chỗ chưa có những sáng tạo và lối kể khá chậm rãi không phù hợp với những khán giả trẻ. Ông nghĩ sao về đánh giá này?

- Đấy là điều bình thường, điều đó đến với ngay bản thân tôi khi xem bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học mà tôi yêu thích. Bởi văn học là một thứ rất khác, ngôn ngữ chữ nghĩa có một “ma thuật” riêng, chỉ cần một chữ thôi là mình đã hình dung ra được rất nhiều thứ xung quanh nó. Nhưng khi đó là hình ảnh và thông tin định hình, khán giả sẽ không tưởng tượng được như là văn học. Vì vậy, đem cách của văn học ra để xem phim thì e là sẽ bị thất vọng. Độc giả của Nguyễn Ngọc Tư khi xem “Tro tàn rực rỡ” cũng nhận xét rằng, tôi đã viết ra một cái mới và điều đấy là quan trọng. Còn truyện của Nguyễn Ngọc Tư thì không chậm đâu, truyện của Tư ngắn lắm - nó có độ nén, phim thì dài đến 2 tiếng và kịch bản thì ít nhất là hơn 100 trang.

Bản thân tác phẩm này hẳn là một câu chuyện đặc biệt nên tôi mới quyết tâm làm. Nó rất buồn, rất day dứt nhưng chân thực. Mặc dù những mối quan hệ trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư vốn đã rất phi lý nhưng lại có thể tin được, đó là điều đặc biệt. Làm phim cũng vậy, cái khó là làm sao để khán giả tin được điều phi lý là sự thật. Sau một vài buổi ra mắt, khán giả cũng cảm thấy tin được những chuyện đó nên tôi rất mừng. Có lẽ mảnh đất miền Tây Nam Bộ đã tạo ra thiên nhiên giản đơn và cũng có thể tạo ra những tâm hồn thuần khiết.

Có thể thấy, dàn diễn viên đã góp phần quan trọng làm nên sự thành công của bộ phim, đơn cử như diễn viên trẻ Bảo Ngọc Doling. Đạo diễn có thể cho biết về quá trình lựa chọn để có được dàn diễn viên xuất sắc như vậy?

-Tôi làm phim độc lập nên phải tự đi tìm diễn viên. Tôi không có kinh phí trả cho công ty phát sinh để họ đi tìm nhân vật cho mình. Quá trình này diễn ra cách đây đã khá lâu, khi tôi bắt đầu viết xong kịch bản, có lẽ là cách đây 5 năm, khi cô bé Bảo Ngọc Doling mới có 13 tuổi và đang học phổ thông. Lúc đấy, tôi có xem một phim ngắn do cháu đóng. Và ngay lập tức, tôi có một linh cảm khá tốt về diễn viên trẻ này, chỉ có điều lúc đó cháu còn bé quá. Tôi cũng không nghĩ là có thể mời được cháu vì trong phim có một vài cảnh hơi nhạy cảm. Cũng may là 5 năm sau, khi tôi đủ tiền và cháu tròn 18 tuổi, tôi đặt cược tất cả vào Bảo Ngọc Doling và tất cả diễn viên trong bộ phim này.

Cùng với dàn diễn viên, khán giả cũng dành lời ngợi khen cho đạo diễn hình ảnh K’linh với những góc máy rất ấn tượng. Ông nghĩ sao về đóng góp cũng như là sự sáng tạo nghệ thuật này của đồng nghiệp?

- Có thể nói, điều làm nên thành công của tác phẩm này là tôi đã cộng tác được với K’linh - một nhà quay phim vô cùng chuyên nghiệp. Đặc biệt, K’linh có khả năng tổ chức các cảnh quay, ví dụ như quay lửa, quay biển. Với những cảnh quay lửa, đạo diễn K’linh rất có kinh nghiệm, bởi Linh đã từng quay nhiều bộ phim có những cảnh quay như thế. Đối với phim Việt Nam, những cảnh quay như vậy rất phức tạp.

Ê kíp đã trải qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành tác phẩm điện ảnh. Nhưng dù có sự đón nhận thì bài toán doanh thu của phim dường như vẫn là một thách thức trước mắt. Ông cùng những đơn vị phát hành có lo lắng gì không?

- Tinh thần của mọi người trong đoàn làm phim, nhà đầu tư, nhà sản xuất trước khi làm bộ phim này đều không có mục đích thương mại. Bản thân tôi rất hiểu xu hướng của thế giới hiện nay, họ đang kéo gần nghệ thuật và thương mại với nhau. Trước đây, LHP chỉ quan tâm đến những bộ phim đánh đố hoặc là gây khó cho khán giả. Nhưng bộ phim “Ký sinh trùng” lại khác, nó đã được trao giải tại Oscar trong khi là một bộ phim thương mại. Đây là “cột mốc” khiến người ta nhận ra rằng, một bộ phim rất cần có khán giả. Một bộ phim tôi thấy yêu, tôi thấy thích nhưng như thế là chưa đủ, khán giả vẫn là điều khiến tôi thấy trân trọng nhất. Tôi muốn bộ phim đến với người xem, được cảm nhận từ nhiều người càng tốt. Tôi nghĩ có nhiều tình cảm ở bộ phim này, bởi nó động đến một nửa thế giới là phụ nữ.

Trân trọng cảm ơn đạo diễn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bùi Thạc Chuyên với 'Tro tàn rực rỡ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO