Mới đây, 3 đêm nhạc quy mô lớn ngoài trời (concert) là “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say Hi” và “Hội - Thuần - Hội” diễn ra tại Thành phố Thủ Đức (TPHCM) thu hút hơn 45.000 khán giả. Sau thành công rực rỡ này, ban tổ chức 2 concert “Anh trai say Hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” sẽ tiếp tục đưa đại nhạc hội này đến với khán giả Hà Nội vào tháng 12 tới.
Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” thu hút khoảng 20.000 khán giả, concert “Anh trai say Hi” với khoảng 15.000 khán giả đã khiến hàng vạn người hâm mộ ở Hà Nội và miền Bắc hào hứng tìm hiểu cách đặt mua vé để được trực tiếp tận hưởng bầu không khí cuồng nhiệt. Và không chỉ người trẻ, rất nhiều người hâm mộ U50 sẵn sàng “bỏ ống” chờ đón xem concert. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân đã “lập đỉnh”, hay chỉ là cơn sốt nhất thời?
Một số chuyên gia truyền thông cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là một "cơn sốt" nhất thời mà nó thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong cách khán giả Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, tiêu thụ và tương tác với các sản phẩm giải trí.
Với hơn 45.000 khán giả dự kiến tham dự, con số này thể hiện khán giả đang đòi hỏi một sản phẩm giải trí không chỉ về mặt âm nhạc, mà còn phải mang tính tổng thể - từ câu chuyện đến thông điệp, từ chất lượng sân khấu đến khả năng tương tác với nghệ sĩ. Điều này tương tự như các mô hình công nghiệp biểu diễn đã rất thành công mà đang được đón nhận ở Việt Nam của một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ hay châu Âu. Giới trẻ ngày nay sẵn sàng chi không ít tiền để được hưởng thụ công nghiệp biểu diễn, hay gọi theo cách của giới trẻ là “đu idol, đu concert”. Đó là một nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Nhiều khán giả trẻ đã tỏ ra rất phấn khích khi được tham gia những concert “thuần Việt” như vậy, đồng thời cũng ấn tượng với khả năng dàn dựng, đạo diễn cũng như mức độ đầu tư sân khấu hoành tráng của các nhà tổ chức Việt. Chị Nguyễn Ngọc Hà ở quận 1, TPHCM nhận xét: “Các tiết mục đều được đầu tư kỹ lưỡng và coi trọng việc đưa nghệ thuật dân gian vào trong các tác phẩm. Thông qua sự thể hiện của các nghệ sĩ, chúng tôi cảm nhận được, thấm được hồn cốt của văn hóa dân tộc, tinh hoa của dân tộc”.
Hiệu ứng sân khấu, đạo diễn chương trình và khả năng hát live của các nghệ sĩ cũng được đánh giá cao. Sự tiến bộ này của các nhà sản xuất Việt thực sự là một bất ngờ rất lớn, bởi trên thực tế, với các concert của các ngôi sao quốc tế, đội ngũ các nhà sản xuất Việt hầu như không được tham gia bởi toàn bộ ekip sản xuất, âm thanh, ánh sáng, đạo diễn đều được đưa theo ngôi sao từ nước ngoài, và triển khai tổ chức theo tiêu chuẩn của họ. Người Việt chỉ tham gia những công đoạn lẻ, giá trị thấp. Do đó, có thể nói thành công của 2 concert mới đây cho thấy khả năng học hỏi của các nhà tổ chức Việt Nam, kết hợp với việc nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của khán giả trong nước, bao gồm cả phương thức truyền thông “tạo sóng”. Tất cả đều được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng đúng nhu cầu của công chúng trẻ đã được tiếp cận nhiều với văn hóa quốc tế. Tuy nhiên, việc tổ chức những đêm nhạc ngoài trời với quy mô lên đến hàng chục nghìn khán giả cần huy động một nguồn vốn lớn khiến việc tìm nhà đầu tư không hề dễ dàng.
Dù vậy, theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, đây là thời điểm vàng để ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam vươn lên. “Nếu nhìn vào cách mà khán giả đang đón nhận các show như “Anh trai...” hay “Hội - Thuần - Hội” tôi nhận thấy rằng chúng ta đang có một thế hệ nghệ sĩ và nhà tổ chức sẵn sàng thay đổi cục diện thị trường, bằng việc chú trọng đến trải nghiệm của khán giả ở từng chi tiết nhỏ nhất”, vị chuyên gia này phân tích.
Nhìn lại thị trường biểu diễn thời gian gần đây, có thể thấy các nghệ sĩ đã đầu tư rất nhiều cho các liveshow cá nhân như liveshow của nhạc sĩ Đức Trí, các ca sĩ Hà Anh Tuấn, Trung Quân Idol, Quốc Thiên Vũ, Phương Mỹ Chi. Diva Hồng Nhung, ca sĩ Uyên Linh, Hồ Ngọc Hà cũng đã có chương trình tổ chức concert. Điều đó cho thấy nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người Việt ngày càng tăng, dù ở độ tuổi nào. Với 2 concert bắt nguồn từ 2 gameshow đình đám “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say Hi”, không phủ nhận là có sự cạnh tranh không nhỏ xuất phát từ đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, chỉ nên cạnh tranh về chất lượng trên sân khấu thay vì những chiêu trò truyền thông, lèo lái dư luận... Bởi lẽ công chúng bây giờ đều tỉnh táo, có nhiều thông tin và có sự phán đoán, nhận định riêng của mình.
Việt Nam đang có một thế hệ khán giả sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền, để đi xem concert ở nước ngoài, đa số là người trẻ có khả năng chi tiêu lớn. Do đó các nghệ sĩ và nhà sản xuất cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội vàng này. Khi khán giả cảm thấy hài lòng, yêu mến các nghệ sĩ, thì các nhà sản xuất và nghệ sĩ sẽ được hưởng lợi. Đây là con đường mà các quốc gia trên thế giới có nền công nghiệp biểu diễn phát triển đều trải qua.
Để nắm bắt cơ hội này, chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng, điều đầu tiên là chúng ta phải tiếp tục đầu tư mạnh vào việc phát triển nội dung. Không thể phủ nhận rằng, khi chúng ta có những show diễn chất lượng tốt, khán giả sẵn sàng bỏ tiền và thời gian để ủng hộ. Nhưng chỉ chất lượng sản phẩm là chưa đủ. Ekip cần tận dụng tối đa sức mạnh của truyền thông đa nền tảng để kể câu chuyện của họ một cách thú vị hơn, cá nhân hoá hơn. Sự tương tác trực tuyến phải bắt đầu từ trước khi concert diễn ra và tiếp tục sau khi kết thúc, để tạo ra một hành trình dài hơi, nơi khán giả cảm thấy mình là một phần trong đó.
Một điểm nữa là phải nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng cho ngành biểu diễn. Hiện tại, ngành công nghiệp biểu diễn của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn bởi còn thiếu các nhà hát, nhà thi đấu, sân vận động đủ tiêu chuẩn và được vận hành chuyên nghiệp. Vấn đề này dù được nhắc đến rất nhiều lần, không phải chỉ cho các concert mới mà cho cả nghệ thuật dân tộc đương đại, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa có phương hướng giải quyết. Ngay cả hai trung tâm phát triển là Hà Nội và TPHCM cũng rất thiếu cơ sở vật chất phục vụ công nghiệp biểu diễn, bao gồm cả nhà hát nghệ thuật chính thống cũng như những địa điểm đủ điều kiện để tổ chức sân khấu ngoài trời. Điều này cần được cải thiện để các sự kiện quốc tế và trong nước có thể diễn ra một cách trọn vẹn hơn.
Đối với vấn đề nhân lực, trên thực tế, Việt Nam đang có cơ hội đón các du học sinh học các chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật biểu diễn đi học ở nước ngoài về. Họ là các đạo diễn, nhà sản xuất, biên đạo... vừa có trình độ, năng lực vừa có đam mê, sức trẻ. Họ sẵn sàng tham gia các show hứa hẹn để khẳng định tài năng của mình.
Việc ban tổ chức 2 concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say Hi” chỉ cần không đến 1 giờ đã tiêu thụ hết hàng chục nghìn vé cho thấy khán giả Việt đã hài lòng hơn với nghệ sĩ và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Làm gì để số tiền công chúng bỏ ra đi "đu idol, đu concert" ở nước ngoài quay lại "chảy" vào túi các nhà tổ chức Việt Nam là một bài toán không đơn giản, và nó phụ thuộc nhiều vào tài năng của các nghệ sĩ cũng như năng lực tổ chức của các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, có thể tin tưởng và kỳ vọng rằng các nghệ sĩ trẻ hôm nay bằng nỗ lực, bằng đam mê, bằng chính trái tim mình, bằng sự cống hiến cho nghệ thuật của mình đã tạo ra được những thần tượng mới, những idol "thuần Việt" đang được các khán giả trẻ hâm mộ, ủng hộ và sẵn sàng "móc hầu bao" để "đu idol" Việt tại những đêm liveshow, concert âm nhạc được tổ chức công phu đó.
Những con số biết “nhảy múa”?
Bên cạnh những thành công khi thu hút được nhiều khán giả quan tâm, sau chuỗi sự kiện “lịch sử”, nhà sản xuất của “Anh trai say Hi” đã gây tranh cãi với lời tri ân khán giả được đăng trên tài khoản Threads tick xanh của VieChannel. Cụ thể, theo lời cảm ơn này, 2 đêm concert của “Anh trai say Hi” tại TPHCM đã thu hút khoảng 78.000 khán giả đến dự.
Con số này đã dấy lên nhiều tranh cãi trên môi trường mạng xã hội. Bởi lẽ, 78.000 khán giả theo dõi trực tiếp là con số kỷ lục chưa từng có tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng số liệu này không thuyết phục, bởi trước hết là do thiết kế sức chứa của 2 địa điểm tổ chức là Công viên bờ sông Sài Gòn (đêm thứ nhất) và khu đô thị Vạn Phúc (đêm thứ 2) cộng lại không thể đạt tới con số 78.000 người. Chưa kể, các con số được ban tổ chức và các nghệ sĩ công bố tại 2 đêm diễn cũng không có sự thống nhất.
Trong khi đó, nhiều người còn so sánh, nếu tính như vậy, thì 2 đêm concert của “Anh trai say Hi” còn vượt qua cả 2 đêm "Born Pink" Hà Nội của BlackPink - vốn đang giữ kỷ lục với 67.000 người và khán đài không 1 chỗ trống tại sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội.
Không chỉ vậy, nhiều người còn bày tỏ sự phản cảm với các chiêu trò truyền thông bẩn thông qua việc “hạ bệ” đối thủ, các nghệ sĩ quá lố khi “lôi kéo” người hâm mộ, hay các chiêu trò gán ghép (ship cặp) các nghệ sĩ để thu hút sự chú ý…