Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết giúp dễ dàng buộc các quốc gia gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không giải quyết được tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Nghị quyết được ca ngợi là một chiến thắng lịch sử cho công lý khí hậu.
Nghị quyết mang tính bước ngoặt
Ngày 30/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết do Vanuatu - một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động khí hậu cực đoan - và các nhà hoạt động thanh niên dẫn đầu nhằm đảm bảo tiếng nói pháp lý từ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ban hành, để làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu.
Thủ tướng Vanuatu Ishmael Kalsakau nói: “Chúng ta đang chứng kiến một chiến thắng to lớn cho công lý khí hậu. Nghị quyết này là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong hợp tác khí hậu đa phương, một kỷ nguyên tập trung đầy đủ hơn vào việc duy trì quy tắc của luật pháp quốc tế và một kỷ nguyên đặt quyền con người và sự bình đẳng giữa các thế hệ lên hàng đầu”.
Cynthia Houniuhi - Chủ tịch Hội sinh viên chống biến đổi khí hậu các đảo quốc Thái Bình Dương (PISFCC) - cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi thế giới đã lắng nghe giới trẻ Thái Bình Dương. Không phải lỗi của chúng tôi, nhưng chúng tôi đang phải sống với những cơn bão nhiệt đới tàn khốc, lũ lụt, mất đa dạng sinh học và mực nước biển dâng. Chúng tôi là những nước đóng góp ít nhất vào lượng khí thải toàn cầu đang nhấn chìm đất đai của chúng tôi”.
Vanuatu - một quần đảo cách Fiji 500 dặm về phía Tây với khoảng 325.000 cư dân, tháng trước đã bị 2 cơn bão cấp 4 tấn công trong vòng 72 giờ, gây ra thiệt hại cơ sở hạ tầng trên diện rộng, buộc người dân phải sơ tán và làm mất điện, nước trong nhiều ngày.
Các quốc đảo và các nước đang phát triển như Vanuatu, Quần đảo Solomon Madagascar và Sri Lanka là những nước đóng góp ít nhất vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nhưng lại phải hứng chịu gánh nặng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thất thường như bão, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt. Điều đó đang làm đảo lộn an ninh lương thực và nước, đồng thời thúc đẩy việc di cư bắt buộc.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif từng cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có về y tế, an ninh lương thực và làn sóng di cư trong nước sau thảm họa mưa bão bắt đầu từ tháng 6/2022 và kéo dài suốt nhiều tháng, khiến hơn 1/3 đất nước chìm trong lũ lụt. Ông Sharif đồng thời chỉ ra rằng, Pakistan phát thải carbon ít nhưng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu và kêu gọi các nước phát triển chủ động hỗ trợ họ.
Các nhà khoa học xác định, trận lũ kéo dài năm 2022 tại Pakistan là hậu quả của mất cân bằng khí hậu. Ông Sharif cho rằng, trong bối cảnh Pakistan chỉ chiếm 0,8% lượng phát thải carbon toàn cầu, thì "những nước phát triển, những quốc gia phát thải nhiều, cần chịu trách nhiệm và hỗ trợ chúng tôi".
Ước tính, thiệt hại sơ bộ trong trận lụt lịch sử năm 2022 tại Pakistan vào khoảng 30-35 tỷ USD nhưng ông Sharrif cho rằng có thể nhiều hơn, với hơn 30.000km cầu đường, đường sắt và đường dây điện bị phá hủy, hơn 4 triệu ha hoa màu bị cuốn trôi. Vì vậy, với hàng tỷ USD viện trợ, đóng góp và cam kết hỗ trợ thì vẫn là không đủ.
Từng bước đưa vào thực tiễn
Nghị quyết của LHQ nhận được sự tán thành của hơn 120 quốc gia sẽ giúp thiết lập một phép thử pháp lý cho phong trào công lý khí hậu toàn cầu nhằm buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm về những hành động tiêu cực gây ra cho khí hậu.
Mặc dù phán quyết của tòa án Công lý quốc tế không có giá trị ràng buộc đối với các tòa án các nước, nhưng việc thiết lập các quy tắc pháp lý quốc tế có thể sẽ ảnh hưởng đối với các thẩm phán và chính phủ. Nó cũng đại diện cho nỗ lực nhằm thiết lập các nghĩa vụ hành động về khí hậu theo luật pháp quốc tế.
Nghị quyết của ICJ được đưa ra do sự thất vọng ngày càng tăng về sự không phù hợp giữa lời nói và hành động của cộng đồng toàn cầu đối với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh tổn thất ngày càng leo thang đối với các quốc gia như Vanuatu, nơi phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu do mực nước biển dâng. Sự thất vọng đã thúc đẩy một phong trào xã hội do các sinh viên luật Vanuatu lãnh đạo đã trở thành các nhà hoạt động thanh niên, và công việc giải quyết được dẫn dắt bởi các luật sư bản địa ở Thái Bình Dương.
Về bản chất, tư vấn của ICJ sẽ giúp xác định liệu các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện những gì họ đã cam kết trong các hiệp ước không ràng buộc như hiệp định khí hậu Paris 2015 hay không và liệu việc không thực hiện như vậy có thể bị thách thức thông qua kiện tụng hay không.
Ông Harjeet Singh - người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới hành động khí hậu quốc tế - cho biết: “Nghị quyết của LHQ đưa vấn đề biến đổi khí hậu lên tòa án Công lý quốc tế là một thời khắc lịch sử trong cuộc đấu tranh cho công bằng khí hậu, nhân quyền và công bằng giữa các thế hệ. Ý kiến tư vấn phải đóng vai trò là công cụ giải trình trách nhiệm quan trọng đối với nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường và các thế hệ tương lai khỏi các tác động của khí hậu”.
Ông Nikki Reisch từ Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế cho biết: “ICJ có thể chứng minh rằng, nhiên liệu hóa thạch đang thúc đẩy khủng hoảng khí hậu thành các mệnh lệnh pháp lý rõ ràng để loại bỏ chúng ngay bây giờ và thực hiện các giải pháp khả thi. Theo ông Reisch, ý kiến tư vấn có thể giúp thúc đẩy trách nhiệm giải trình lớn hơn đối với những thiệt hại ngày càng gia tăng do các quốc gia không hành động.