Tham gia bộ chỉ số PAPI từ năm 2011 nhưng trong suốt gần 10 năm, Thanh Hóa chỉ loanh quanh ở top giữa và top cuối với số điểm rất thấp. Để cải thiện điều này, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, và quả ngọt đã đến khi năm 2021, tỉnh bứt phá ngoạn mục khi xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI và xếp thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX.
Bước nhảy tăng vọt
Bộ chỉ số quốc gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện từ việc đo lường trải nghiệm của người dân đối với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền và bắt đầu thực hiện từ năm 2009.
Thanh Hóa chính thức tham gia vào PAPI từ năm 2011 nhưng nhiều năm liên tục, vị trí của tỉnh chỉ nằm ở nhóm trung bình của cả nước. Ngoại trừ năm 2018, tỉnh vươn lên xếp thứ 11 thì các năm còn lại, Thanh Hóa không cải thiện được điểm số mà còn có xu hướng giảm dần, loanh quanh ở vị trí từ 20 - 28 trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Trong đó, nhiều chỉ số thành phần như quản trị điện tử, quản trị môi trường hay trách nhiệm giải trình với người dân... nhiều năm nằm ở mức trung bình thấp. Tính chung 10 năm (2011 - 2020), chỉ số PAPI của Thanh Hóa chỉ tăng 0,6 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước.
Trước thực trạng đáng “quan ngại” trên, đồng thời, với mong muốn cải thiện thứ bậc xếp hạng trên “đường đua”, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành và đưa ra nhiều giải pháp thực thi thật sự hiệu quả để cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng PAPI của tỉnh.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, một bầu không khí đổi mới cùng quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã truyền sức nóng, truyền ngọn lửa cải cách đến từng cán bộ, công chức, viên chức. Và quả ngọt ngay lập tức đã đến, nó đã thể hiện trên bảng xếp hạng PAPI năm 2021.
Lần đầu tiên, Thanh Hóa được xướng tên ở vị trí top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước với 47,102 điểm, sau Thừa Thiên Huế (48,059 điểm) và Bình Dương (47,187 điểm). Không phải ngẫu nhiên khi 8 chỉ số nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần cấu thành Chỉ số PAPI năm 2021 được khảo sát từ người dân, Thanh Hóa có tới 7/8 chỉ số nội dung tăng mạnh, nằm trong nhóm cao nhất cả nước.
Cụ thể, đó là: Chỉ số thành phần về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng từ 4,84 điểm lên 5,85 điểm (cao nhất cả nước); chỉ số công khai, minh bạch tăng từ 5,44 điểm lên 6,20 điểm (đứng thứ 2 cả nước); chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng từ 7,19 điểm lên 7,81 điểm (đứng thứ 2 cả nước)...
Như vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI theo “Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025” đã đề ra.
PAR INDEX cũng nhảy vọt
Năm 2012, Thanh Hóa chính thức tham gia vào bộ Chỉ số cải cách hành chính (viết tắt là PAR INDEX) nhưng nhiều năm liên tục đều xếp ở nhóm cuối của cả nước. Giai đoạn 2017 - 2019, PAR INDEX của Thanh Hóa luôn không ổn định và xếp ở nhóm cuối của cả nước khi đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2017), thứ 57 (năm 2018), thứ 43 (năm 2019), thứ 29 (năm 2020).
Năm 2021, chứng kiến lần đầu tiên Thanh Hóa có bước nhảy vọt với 87,83 điểm, xếp thế 14/63 địa phương. Dấu ấn nổi bật trong bộ chỉ số PAR INDEX mà tỉnh đạt được là cả 8 lĩnh vực đánh giá đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2020.
Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 7,82 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,93 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đạt 9,23 điểm; cải cách tài chính công đạt 9,88 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,49 điểm; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 12,70 điểm; hiện đại hóa hành chính đạt 14,18 điểm; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt 13,61 điểm.
Kết quả xếp hạng các chỉ số cải cách năm 2021 là hiện thực sinh động cho khát vọng không ngừng vươn xa của Thanh Hóa trong hành trình cải cách, đổi mới. Đáng phấn khởi, trong 8 lĩnh vực đánh giá thì lĩnh vực hiện đại hóa hành chính của Thanh Hóa xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để giữ vững và nâng cao chỉ số PAPI, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ.
Cấp ủy, chính quyền cần làm tốt các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để người dân hiểu, tin tưởng, ủng hộ và làm theo nhằm đưa các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Tuyệt đối không để cán bộ, công chức biến quyền lực Nhà nước giao cho thành quyền lực riêng của tổ chức, cá nhân mình. Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề của địa phương.
Những kết quả quan trọng kể trên là minh chứng cho bước tiến dài của Thanh Hóa trên bảng xếp hạng PAPI; song không vì kết quả đạt được mà công tác CCHC được phép trùng xuống.
Với tâm thế đó, Thanh Hóa tiếp tục nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được, đồng thời “nhìn thẳng vào sự thật” để “mổ xẻ” những tiêu chí còn thấp điểm, mất điểm để đưa ra mục tiêu phấn đấu mới cao hơn cho những năm tiếp theo.