Ngày 13/12/2015, tại Lễ hạ thủy giàn khoan Tam Đảo 05 - sự kiện quan trọng đánh dấu bước thành công lớn của ngành cơ khí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “Chúng ta có thể tự hào rằng, trình độ, năng lực, chất xám và khả năng lao động của Việt Nam không hề thua kém các nước bạn trên thế giới”.
Ngày hôm nay, người Việt Nam chúng ta có thể tự hào về những gì mà ngành cơ khí chế tạo giàn khoan đã đạt được khi giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã được hạ thủy thành công, khẳng định năng lực thiết kế, chế tạo các công trình dầu khí của người thợ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.
Ngành cơ khí có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí. Đến nay, sự tăng trưởng của ngành cơ khí đã đạt được mức bình quân 20%/năm trong 5 năm qua, đạt xấp xỉ 20% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp.
Từ chỗ chỉ gia công chế tạo, đến nay chúng ta đã có thể tự thiết kế, thi công các công trình giàn khoan dầu khí. Sau thành công với việc chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03, hôm nay tiếp tục hạ thủy giàn khoan Tam Đảo 05 chính là mốc son đánh dấu bước phát triển, sự trưởng thành mang tính lịch sử của ngành cơ khí Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt đối với ngành cơ khí chế tạo công trình dầu khí. Chúng ta có thể tự hào rằng, trình độ, năng lực, chất xám và khả năng lao động của Việt Nam không hề thua kém các nước bạn trên thế giới.
Nghi thức gắn biển công trình.
Ở Dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard đã kết hợp với nhiều nhà thầu phụ khác, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa của dự án lên đến gần 50%, qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tay nghề, trình độ cho đội ngũ lao động Việt cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, hưởng ứng chủ trương nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công trình của Nhà nước Việt Nam.
Để có thể phát triển hơn nữa ngành cơ khí chế tạo, đòi hỏi đội ngũ lao động Việt Nam phải phát huy hơn nữa năng lực sáng tạo, năng lực thiết kế, tư vấn, tạo ra được những sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ để cạnh tranh trên cả thị trường trong và ngoài nước.
Đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục “tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần chủ đạo của thị trường trong nước cho các dạng dịch vụ có khả năng hỗ trợ có hiệu quả cho thăm dò, khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhận chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, nâng dần tỷ lệ nội địa trong một số loại hình dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao” theo đúng quan điểm chiến lược đối với lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song song đó, đề nghị Hiệp hội Cơ khí cùng với các bộ có liên quan tiếp tục đề xuất với Chính phủ về cơ chế tín dụng xuất khẩu; đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ tiếp tục xây dựng những chính sách mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đưa các sản phẩm công nghiệp ra thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.
Ở thời điểm cách đây 5 năm, khi Bộ Khoa học Công nghệ xem xét phê duyệt dự án lớn nhất trong lịch sử ngành Khoa học Công nghệ Việt Nam, hỗ trợ cho PV Shipyard làm chủ thiết kế và chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước với mức đầu tư rất lớn - 114 tỉ đồng; lúc đó chúng ta chưa có cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học.
Bộ Khoa học Công nghệ đã báo cáo và nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao nhiệm vụ này cho Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ quốc gia. Nhờ đó, chỉ trong vòng 2 năm, PV Shipyard đã thành công trong việc làm chủ thiết kế, chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03. Chính thành công này đã khẳng định năng lực, trí tuệ của người lao động Dầu khí, của các cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên PV Shipyard và cũng là tiền đề để chúng tôi xây dựng Luật Khoa học Công nghệ năm 2013, trong đó quy định sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả những dự án rất lớn.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển Sản phẩm quốc gia. Bộ Khoa học Công nghệ đã phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình này, trong đó có sản phẩm giàn khoan dầu khí. Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng và tự hào được chứng kiến sự thành công của một sản phẩm quốc gia, cũng là một dự án khoa học công nghệ lớn, trong đó có một phần đóng góp của những người làm quản lý khoa học công nghệ vào sự phát triển của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo giàn khoan Việt Nam”.
Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh.
“Chúng ta tự hào và vui mừng được chứng kiến sự kiện quan trọng nhất của dự án lớn mà việc thực hiện thành công chúng mang tầm vóc chiến lược quốc gia - Lễ hạ thủy Giàn khoan tự nâng 120m nước. Đây là dự án có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh sách “Sản phẩm cơ khí trọng điểm” nhằm mục tiêu phát triển ngành Cơ khí Việt Nam lâu dài và mang tính chiến lược, phát huy tốt tiềm năng tài nguyên, nhân lực đáp ứng cho sự phát triển cơ bản công cuộc phát triển đất nước, tạo tiền đề phát triển cho các ngành công nghiệp khác trong tương lai.
Việc thực hiện thành công dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 120m nước Tam Đảo 05 mang mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là có thể chủ động trong việc thực hiện các chương trình khoan tìm kiếm, thăm dò và khai thác, đồng thời giảm tỷ trọng nhập khẩu, tạo cơ hội phát triển ngành nghề, tiến tới cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới. Thêm vào đó, sự thành công của dự án còn là minh chứng cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, lao động kỹ thuật của ngành cơ khí Việt Nam nói chung và của ngành Dầu khí nói riêng; đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, cán bộ thiết kế khi toàn bộ công tác thiết kế chi tiết được thực hiện tại chỗ. Việc triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ còn thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam và minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm với tinh thần “không có việc gì khó” của tập thể cán bộ, công nhân viên PV Shipyard”.
Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa.
“Ngay sau khi Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga được gia hạn và có hiệu lực từ năm 2011, để đảm bảo cho Vietsovpetro tiếp tục phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã giao cho Vietsovpetro nhiều lô mới để tiến hành thăm dò, khai thác nhằm mở rộng hoạt động ra các vùng biển nước sâu xa bờ thuộc thềm lục địa và các vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Giàn khoan Tam Đảo 05 là một trong những dự án quan trọng giúp Vietsovpetro thực hiện nhiệm vụ này và cũng là giàn khoan có tính năng kỹ thuật vượt trội so với 4 giàn khoan tự nâng mà Vietsovpetro đang sở hữu hiện nay.
Chúng tôi hiểu rằng, trong 21 tháng qua, Tổng thầu PV Shipyard và các nhà thầu phụ đã rất nỗ lực để hoàn thành trên 75% tổng khối lượng công việc toàn dự án. Các mốc tiến độ chính đều đã được PV Shipyard kiểm soát tốt và đạt theo đúng kế hoạch. Về chất lượng, qua quá trình giám sát, Vietsovpetro cũng ghi nhận dự án đã được thực hiện đúng quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn Quốc tế áp dụng, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đúng theo thiết kế và hợp đồng đã ký.
Trong thời gian tới, Vietsovpetro đề nghị PV Shipyard tiếp tục tập trung cao độ các nguồn lực để thực hiện dự án đúng theo tiến độ và tiêu chuẩn chất lượng đã đặt ra. Vietsovpetro cũng cam kết sẽ tiếp tục giám sát kỹ thuật, hỗ trợ PV Shipyard thực hiện các công tác quan trọng tiếp theo là lắp đặt, tiền chạy thử và chạy thử thiết bị khoan, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ PV Shipyard sớm hoàn thành Dự án. Việc bàn giao sớm trước kế hoạch sẽ giúp Vietsovpetro có thể đưa giàn vào hoạt động từ tháng 10, trước mùa biển động năm 2016”.
Tổng giám đốc PV Shipyard Lê Hưng.
“Một thách thức lớn nữa đối với PV Shipyard trong dự án này phải kể đến vấn đề tài chính. Để có thể thực hiện một dự án “khổng lồ” như Tam Đảo 05, nhu cầu sử dụng nguồn vốn lưu động để đáp ứng dòng tiền cho dự án là không thể tránh khỏi, nhất là đối với một đơn vị trẻ đang đặc biệt khó khăn như PV Shipyard. Và để đảm bảo dòng tiền cho dự án, PV Shipyard đã chủ động ký một số hợp đồng vay ngắn hạn với PVcombank, Vietinbank, SHB. Những khoản vay này được đảm bảo dựa trên giá trị thanh toán từng đợt mà chủ đầu tư là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro chi trả. Vì vậy, nếu xét về khía cạnh kinh tế, thành công của dự án cũng chưa thể giúp PV Shipyard đương đầu với những khó khăn tài chính hiện tại. Nhưng, những cái “được” mà Dự án Tam Đảo 05 mang lại cho PV Shipyard hay ngành Dầu khí Việt Nam lại có giá trị gấp nhiều lần như vậy.
Nghi thức hạ thủy giàn Tam Đảo 05.
Qua Tam Đảo 05, đội ngũ PV Shipyard đã hoàn thiện hơn khả năng thiết kế chi tiết cũng như khả năng quản lý dự án, qua đó hoàn thành dự án đúng tiến độ và đã tiết kiệm được nhiều triệu USD phải trả cho chuyên gia nước ngoài. Nhiều cấu kiện kỹ thuật phức tạp đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối cũng đã được chính đội ngũ kỹ sư, công nhân của PV Shipyard đảm đương. Điển hình là bộ phận hộp số của hệ thống nâng hạ giàn khoan. Nếu như trước đây, hệ thống này phải nhập về nguyên chiếc, thì đến nay PV Shipyard đã có thể mua cấu kiện, vật tư rời về tự chế tạo, lắp ráp, căn chỉnh tại bãi chế tạo. Đây là bộ phận đặc biệt quan trọng của giàn tự nâng, với độ dung sai cho phép chỉ 0,053mm.
Ngoài chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03 và hạ thủy Tam Đảo 05, PV Shipyard đã thực hiện hơn 20 dự án sửa chữa và hoán cải các giàn khoan tự nâng, đặc biệt khẳng định thương hiệu của mình về công tác sữa chữa với các chủ giàn Na Uy, Mỹ, Nga, Singapore, VSP… điển hình là sửa chữa giàn khoan tự nâng Murmanskaya, nối chân và sữa chữa giàn khoan Tam Đảo 2, Dự án lắp chân giàn Liftboat.
Hiện tại, PV Shipyard đang có 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, song song đó đang làm Dự án KHCN với đề tài: Nghiên cứu thiết kế cơ sở chi tiết công nghệ chế tạo tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng”.
“Tam Đảo 05 là giàn khoan có độ lớn, phức tạp hơn nhiều so với Tam Đảo 03, nên dù các kỹ sư, công nhân của nhà máy đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ quá trình đóng giàn Tam Đảo 03, nhưng khi bắt tay vào chế tạo giàn Tam Đảo 05 cũng gặp một số khó khăn nhất định, điển hình là việc thi công, chế tạo hệ thống nâng hạ của giàn khoan.
Hệ thống nâng hạ này nặng đến 100 tấn và làm bằng các loại thép có cường lực cao lại đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối. Thi công hệ thống này đòi hỏi phải có thiết bị hiện đại, nhà xưởng đầy đủ thiết bị. Ban đầu anh em chế tạo gặp nhiều khó khăn, thậm chí có bộ phận phải chấp nhận làm đi làm lại để đạt yêu cầu kỹ thuật chính xác của hệ thống. Nhưng nhờ nỗ lực, cộng với tay nghề đã được trui rèn, đến ngày hạ thủy, hệ thống nâng hạ của giàn khoan Tam Đảo 05 đã vận hành trơn tru”.
“Bên cạnh những khó khăn về mặt kỹ thuật, đội ngũ quản lý dự án cũng phải hết sức nỗ lực để dự án đi đúng tiến độ. Với vai trò là đơn vị tổng thầu, PV Shipyard phải vận hành toàn bộ các khâu thiết kế, mua sắm, thi công một cách ăn khớp với nhau. Một mặt, đầu ra của thiết kế là đầu vào của mua sắm và thi công; mặt khác, trong quá trình thi công cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề kỹ thuật ảnh hưởng đến khâu mua sắm và thiết kế, khiến bộ phận thiết kế lại phải có những thay đổi sao cho phù hợp. Do đó, chỉ cần một khâu trong dự án bị chậm là cả chuỗi sẽ vận hành chậm theo. Tất cả các khâu phải nhịp nhàng, phải có cách nhìn tổng quan, chính xác về dự án mới có thể quản lý dự án thành công”.
Giàn khoan Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường và được thiết kế theo mẫu JU - 2000E hiện đại nhất của Hãng Friede & Goldman (Mỹ), kích thước 70,4x76x9,5m, khả năng chất tải 2.995 tấn, chiều dài thân giàn 167m, tổng khối lượng 18.000 tấn. Giàn khoan được thiết kế có thể hoạt động ở độ nước sâu 120m và có thể khoan tới mỏ dầu khí ở độ sâu 9.000m. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD |