Bước vào sân chơi lớn

Thúy Hằng 01/08/2017 10:15

Tới thời điểm này, sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào thế giới đã diễn ra mạnh mẽ, thể hiện qua việc ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do bậc nhất so với các quốc gia trên thế giới. Vào đầu năm 2018, tức là đếm ngược chỉ còn 4 tháng nữa, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực với cam kết mở cửa thị trường, hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu, người ta chợt thấy nổi lên vấn đề: Doan

Tôm- mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được EU đánh giá cao.

Xếp thứ hai sau Mỹ, EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Đặc biệt, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng gần 11 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên trên 45 tỷ USD năm 2016. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam sang EU đạt 19,6 tỷ USD, tăng trên 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam là 14,8 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4,8 tỷ USD, tăng 20,6%.

Theo Bộ Công thương, khi Hiệp định này có hiệu lực cũng sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng; những cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến nhưng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Thời cơ luôn gắn liền thách thức. Hàng hóa của Việt Nam cũng bị chính doanh nghiệp ngoại đè ngược lại.

Là một doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước, ông Phạm Hoàng Thắng- Giám đốc một công ty sản xuất máy nông nghiệp lại không tự tin khi hội nhập. Theo ông Thắng, doanh nghiệp đang “ngon trớn” khi làm ăn trong nước nhưng lại không có tiền ra nước ngoài tìm đơn vị nhập khẩu mà phải qua đơn vị trung gian. Muốn đổi mới phải đầu tư, nhưng nghĩ ra sản phẩm đã khó, việc sản xuất thử nghiệm, đầu tư thiết bị đưa ra cộng đồng mất rất nhiều tiền, chỉ chi ra chứ không thu vào. Vì thế với doanh nghiệp nội vốn ít, suốt thời gian qua là tự “bơi”, nhưng “bơi” không được xa”.

Theo một thống kê mới nhất từ Cục Đăng ký kinh doanh, vốn mỗi doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian gần đây tính ra trung bình đạt 8,1 tỷ đồng. Như vậy, quy mô chủ yếu của doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ vả vừa, rất dễ bị “rung lắc nếu có gió”. Nếucứ nhỏ lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, thì rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, khó tạo ra năng suất, hiệu suất cao và khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt.

Đa phần hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô, có giá trị thấp như: cà phê, chè, thủy hải sản, trái cây, riêng các sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm sữa, rau, thịt vẫn chiếm tỷ trọng ít.

Trở lại với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bà Miriam Garcia Ferrer- Tham tán thứ nhất của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến việc tuân thủ những tiêu chuẩn từ EU. Các các doanh nghiệp cần chú trọng tới thương hiệu của các sản phẩm bởi Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao. Do vậy để nắm bắt được những cơ hội lớn từ EVFTA còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Điều đặc biệt các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Mà điều này thì Việt Nam vẫn yếu.

Còn theo ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại thì EVFTA đang mở ra cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU bởi đây là thị trường được xem là lớn hơn thị trường Mỹ, Nhật Bản cả về diện tích và giá trị. Nhưng đây là thị trường rất khó tính, dễ gặp vướng mắc từ tiếp cận thị trường, cho đến giữ được thị trường, cạnh tranh với hàng hóa chất lượng cao đến từ nhiều quốc gia. Bởi vậy, cũng không còn quá nhiều thời gian để mà chuẩn bị nội lực bước vào một sân chơi lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước vào sân chơi lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO