Buồn

Trần Hữu Thăng 29/12/2015 15:51

Lúc đầu tôi định đặt tên bài là: Bàn về nỗi buồn. Sau lại thôi, vì nỗi buồn đã được biết bao văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ thể hiện ra hàng trăm năm nay bằng các tác phẩm mang tên Buồn rồi.

Định đặt là: Bệnh buồn trong đời sống, thì sợ có người nhầm với: buồn ngủ, buồn cười, đừng cù nữa buồn quá (nhột quá). Nên lại thôi.

Định đặt là: Buồn và cách phòng, cách chữa. Sau lại thôi, vì có những nỗi buồn lại mang âm hưởng dương tính, mang chiều hướng phát triển tốt đẹp thì làm sao lại phải phòng, phải chữa trị.

Vậy cuối cùng, đặt tên bài là: Buồn, xem ra có vẻ hợp lý hơn cả.

1. Buồn trong đời sống hàng ngày:

Sau kỳ nghỉ hè 3 tháng, cậu học sinh chợt thấy cha mẹ giục chuẩn bị bước vào năm học mới. Cậu học sinh rất buồn. Thôi thế là phải chia tay những cuộc vui chơi, những cuộc cắm trại, du lịch, đá bóng, bơi lội đến tận chiều tối thật thích thú cùng bạn bè thân thiết.

Mẹ vuốt tóc cậu an ủi:

- Thôi đừng buồn nữa con, thế là sắp sửa lên một lớp, sắp thi lên cấp 3 còn gì nữa, phấn khởi lên con.

Cậu học sinh nghe ra, hình ảnh sân trường quen thuộc, cây bàng quen thuộc, bạn bè quen thuộc khiến cậu nhanh chóng quên đi nỗi buồn từ giã những ngày hè tươi đẹp, hối hả chuẩn bị hành trang cho năm học mới.

Sau bao ngày tìm hiểu, yêu đương ngập tràn hạnh phúc, ngày mai lên xe hoa về nhà chồng. Đêm nay, người con gái thấy buồn bã, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ, nhớ những kỷ niệm đẹp sống trong gia đình, họ hàng, làng xóm quen thuộc suốt hơn 20 năm trời.

Mẹ vừa vuốt tóc con, vừa nhắc lại câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính:
Gái lớn ai không phải lấy chồng,
Sao mày lại khóc nín đi không.

Cô gái mỉm cười cùng mẹ, lau nước mắt, chuẩn bị cho ngày trọng đại nhất cuộc đời. Cuộc đời cô đổi khác, cô sẽ làm vợ, cô sẽ làm mẹ như bao người đàn bà hạnh phúc. Ôi, xin cám ơn thượng đế đã cho con may mắn này.

Những nỗi buồn không thể tránh khỏi, không thể ra khỏi quy luật của sinh, lão, bệnh, tử.

Không ai có thể trường tồn, khỏe mạnh mãi mãi, thế nào cũng phải có lúc chia tay.

Nên cắt nghĩa giây phút ấy một cách nhẹ nhàng như một nhà thơ quá cố đã viết:
Gió mát, trăng thanh buổi đẹp trời
Ngủ quên không dậy, việc thường thôi
Các con đừng trách không từ biệt
Cháu nhớ ông bà, tháng ngày trôi.
Hoặc theo cách giải nghĩa của Trịnh Công Sơn:
“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng…”
sẽ thấy vơi đi nỗi buồn xa cách.

Nỗi buồn của các ông quan tham nhũng bị mất chức, bị truy tố, bị tù tội đã nhận và chia đều những nỗi buồn vô tận, lâu dài, không gì cứu vãn được. Những xấu xa nhục nhã cho tất cả cha mẹ, vợ con và họ hàng gia tộc. Chao ôi, những nỗi buồn do tham, sân, si mang lại sẽ chẳng có gì cứu vãn bởi do chính con người gây ra, con người sẽ chịu hậu quả. Đó là luật nhân quả, nhưng ít ai ngờ rằng:
“Nhân ác tuy gieo xa, nhưng quả ác lại mọc ngay trong ngôi nhà đang ở”.

2. Những danh ngôn nói về: nỗi buồn, sự đau khổ, sự bất hạnh và cách giải quyết:

Chỉ cần nhắc đến 2 danh ngôn cổ đại mà với thời gian hàng ngàn năm trôi qua vẫn mang tính thời sự, vẫn mang tính cập nhật nóng hổi. Ít có những danh ngôn nào có thể vượt qua hàng chục thế kỷ mà không thể bổ xung, hoặc thêm, hoặc bớt gì vào nội dung.

Danh ngôn 1:

Sự ra đi của một người thân yêu lúc nào cũng là một sang chấn tinh thần (stress) nặng nề nhất đối với tất cả mọi người. Vì là cuộc chia ly âm dương cách biệt, chẳng bao giờ gặp lại được nhau nữa, nên trong buổi chia tay biết bao than khóc, biết bao tiếc nuối, biết bao ân hận sót sa. Danh ngôn 1 sẽ dạy chúng ta biết ngừng lại, biết giữ gìn sức khỏe để sống tiếp, lao động kiếm sống tiếp. Đến đây con người phải xác định: “Đời là một nghĩa vụ chứ không phải cuộc du hý”. Câu danh ngôn 1 đó là: “Xin hãy thôi khóc than cho người đã khuất, chí ít thì ngài đã tìm được nơi an nghỉ” (Pleure doucement sur le mort, car il a trouvé le repos – Ben Sirac le Sage, Thế kỷ II trước công nguyên).

Danh ngôn 2:

Từ khi có con người tức là đã bắt buộc phải tuân theo quy luật: sinh, lão, bệnh, tử (sinh ra, già đi, mắc bệnh tật, từ giã cuộc đời).

Quy luật này chưa bao giờ thay đổi. Nhưng có một bi kịch kéo dài hàng ngàn năm nay, không biết cách giải quyết thế nào. Đó là: Một người bị bệnh nan y chắc chắn chết (ung thư giai đoạn cuối, suy đa phủ tạng…) có nên kéo dài những ngày tháng đau đớn cho người bệnh và khốn khổ cho người thân (Bán nhà bán đất chạy thuốc thang, rối loạn cuộc sống mưu sinh hàng ngày để phục vụ một người chắc chắn chết).

Nhiều nước đã từng đề xuất phương án: “Ban cho cái chết an lành” tức là thôi không điều trị nữa, người bệnh tự nguyện nhịn ăn, từ chối thuốc men để được chết sớm cho đỡ khổ. Gần đây điện ảnh Pháp có cuốn phim rất hay về đề tài này được giải thưởng lớn. Đó là phim Amour (tình yêu). Nội dung rất đơn giản mà sâu sắc: Một bà già suy kiệt rất nặng (đau đớn về thể xác) lại luôn bị con gái mong mẹ chết để chia gia tài (đau đớn về tinh thần) nhưng vẫn phải ngắc ngoải sống. Sau những ngày vật vã đau đớn trông nom vợ, người chồng già đã quyết định giải phóng cho vợ bằng cách bịt chiếc gối bông vào mặt bà để thôi không thở nữa.

Bộ phim gây chấn động dư luận cũng như lâu nay nhiều nước chưa hoặc không dám ban hành luật “Tôn trọng cái chết theo ý muốn của người bệnh” vì đã gặp phải rất nhiều phản đối của nhiều tầng lớp nhân dân.

Danh ngôn 2 khuyên người ta nên biết sắp xếp, lo liệu trong trường hợp khó xử ấy bằng cái nhìn rất tổng quan: “Thật bất hạnh cho những cánh đồng lúa chín vàng không có người gặt, cũng thật bất hạnh cho những ai không thể chết khi đã hết hy vọng sống” (C’est une malédiction pour les épis de ne pas être moissonnés, et ce serait une malédiction pour les hommes de ne pas mourir – Épictête, thế kỷ thứ II sau công nguyên).

Kết luận:

Buồn vui, sướng khổ chỉ là tương đối, tùy theo ý nghĩ của từng người. Chả thế mà Nhà triết học vĩ đại nhất thời cổ đại Platon đã từng viết: “Các vị thánh thần trên trời không bao giờ đau khổ cả, nên chắc chắn các ngài sẽ không bao giờ biết sung sướng là gì”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buồn