Văn hóa

Buồn vui nhà hát

Minh Quân 18/05/2024 17:23

Do nhiều nguyên nhân, việc vận hành, khai thác các nhà hát từ trung ương đến địa phương vẫn còn hạn chế chưa được giải quyết.

anhbaitren.jpg
Nhà hát Hồ Gươm lọt vào “Top 10 nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới”. Ảnh: NHCC.

Điểm đến văn hóa

Hiện có 13 nhà hát công lập do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quản lý. Riêng Hà Nội đã có 12 nhà hát, gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Nhạc, Vũ Kịch Việt Nam. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có ít nhất 1 nhà hát trực thuộc các đơn vị quản lý về văn hóa.

Nhìn vào mặt bằng chung, nếu xét về quy mô, cơ cấu, quy hoạch cơ sở hạ tầng… các đơn vị nhà hát công lập khi sử dụng hết công năng đang trở thành những điểm đến văn hóa, mang đến cho công chúng những tác phẩm đặc sắc.

Thời gian qua, một số nhà hát đã “làm mới” mình khi nỗ lực về đa dạng hóa sản phẩm như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ… đáp ứng nhu cầu của các phân khúc khán giả khác nhau. Công tác tiếp cận khán giả, công tác truyền thông cũng đã được các nhà hát chú trọng hơn trong nỗ lực đưa tác phẩm nghệ thuật tới công chúng. Đặc biệt, nhiều nhà hát hiện nay còn trở thành những không gian văn hóa với nhiều hoạt động trải nghiệm gắn kết du lịch.

Như Nhà hát Lớn Hà Nội với chương trình “Vườn âm nhạc - Music Garden”. Tại không gian cổ kính của Nhà hát Lớn, người xem có thể lựa chọn nhiều khung giờ khác nhau để thưởng thức âm nhạc. Hay như Nhà hát Hồ Gươm từ khi khánh thành đã dần trở thành một điểm đến nghệ thuật quen thuộc của người dân Thủ đô và du khách thập phương với nhiều buổi biểu diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ danh tiếng trong và ngoài nước. Mới đây, tại Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards - WTA, Nhà hát Hồ Gươm cũng đã góp mặt trong danh sách “Top 10 nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới”.

Thừa và thiếu

Tuy nhiên, trên hành trình “làm mới” các nhà hát, cùng với sự thành công vẫn còn đó những khoảng lặng.

GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, theo quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012 - 2020, số nhà hát cần nâng cấp và xây dựng mới là 71 (trong đó xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát). Cụ thể, xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 - 2.500 ghế, với trang thiết bị hiện đại chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng sân khấu. Trong đó, tại Hà Nội và TPHCM xây mới công trình nhà hát có quy mô lớn từ 2.500 - 3.000 ghế. Ngoài ra, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn. Nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật 20 công trình nhà hát đã bị xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai thực hiện quy hoạch và kế hoạch nói trên mới có 50% địa phương đạt chỉ tiêu xây dựng nhà hát trên 1.000 ghế.

Thực tế cho thấy, câu chuyện tìm “đất diễn” cho nhiều đơn vị sân khấu ở tình trạng thừa thiếu đan xen. Đến thời điểm hiện tại có đến 4 nhà hát công lập vẫn phải đi thuê địa điểm để biểu diễn là Nhà hát Cải lương Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam. Việc phải đi thuê địa điểm biểu diễn với chi phí lớn khiến nhiều đơn vị không chủ động về địa điểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của nhà hát, thu nhập của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và người lao động.

PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) chia sẻ, ngay tại Hà Nội, có nhà hát nằm ở vị trí đắc địa, có nhà hát còn nằm nơi khuất nẻo. Một số nhà hát có cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu biểu diễn, nhà hát xuống cấp, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cũ kỹ không đáp ứng được yêu cầu của các vở diễn. Một thực tế khác khá phổ biến là các nhà hát không có khuôn viên, không có chỗ để xe như Nhà hát Tuổi trẻ, rạp Hồng Hà (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Điều này chính là một trong những rào cản vì chi phí để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không chỉ là tiền mua vé mà còn là các chi phí liên quan như phí giao thông, phí gửi xe...

Như vậy, để hệ thống nhà hát Việt Nam có những phát triển đột phá, cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, căn cốt từ cơ chế, chính sách đến nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính cũng như sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Từ đó mới kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khai thông những điểm nghẽn để các nhà hát Việt Nam có thể chuyển mình và cất cánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buồn vui nhà hát