Sau 8 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 vừa chính thức khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải. Nhìn vào Liên hoan người xem thấy đa phần các vở diễn đều sử dụng kịch bản cũ, các vở diễn đã được dàn dựng nhiều năm. Liên hoan Sân khấu của Thủ đô những lại thiếu những tác phẩm về Hà Nội.
Sân chơi của người trẻ
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 có sự tham gia của 13 vở diễn ở 13 đơn vị sân khấu với các loại hình chèo, kịch nói, cải lương. Một điểm ghi nhận của Liên hoan là với sự tham gia hơn 700 diễn viên, nghệ sĩ nhiều đơn vị đã mạnh dạn “trẻ hóa” từ đạo diễn cho đến các diễn viên tham gia.
Thông qua các vở diễn đã xuất hiện rất nhiều diễn viên trẻ, tài năng. Họ không những chỉ chứng tỏ được mình ở phần kỹ thuật tâm lý mà còn điêu luyện sử dụng ngôn ngữ hình thể trong biểu diễn.
Đơn cử như trong 21 HCV và 31 HCB cá nhân đã vinh danh rất nhiều nghệ sĩ trẻ như Thu Quỳnh (Nhà hát Tuổi trẻ); Ngọc Quỳnh (Nhà hát Kịch Hà Nội); Nguyễn Văn Đáng, Nguyễn Thị Lý (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Khuất Quỳnh Hoa (Luc Team)…
Bên cạnh đó, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các vở diễn đã được đầu tư ngày càng hiện đại với trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đa dạng về thể tài, góp phần làm cho Liên hoan Sân khấu đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
NSND Chu Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan nhìn nhận: Trải qua 8 ngày diễn ra Liên hoan, có nhiều tác phẩm đề cao tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc và xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Việt Nam trong chiến lược đổi mới phát triển bền vững đất nước, sự thay đổi nhanh chóng, sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo, tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Mặt khác qua công cuộc đổi mới này cũng bộc lộ những vấn đề mà xã hội quan tâm như trong Nghị quyết của Đảng đã cảnh báo về vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống, một số vấn đề về tệ nạn xã hội...
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của tác giả, đạo diễn, diễn viên và những thành phần sáng tạo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, mang đến cho công chúng những tác phẩm sân khấu có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao. Hy vọng các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nghiêm túc khắc phục những hạn chế yếu kém để phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, các nghệ sĩ biểu diễn không ngừng trau dồi nghề nghiệp có nhiều vai diễn xuất sắc để phục vụ nhân dân.
Lỗ hổng kịch bản
Bên cạnh những thành công nhất định, đặc biệt là việc tái “khởi động” cho sân khấu sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn còn đó những trăn trở cố hữu. Các đơn vị tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 nhìn chung đều sử dụng các kịch bản cũ, các vở diễn đã được dàn dựng nhiều năm. Thậm chí có một nghịch lý là Liên hoan Sân khấu của Thủ đô nhưng lại thiếu những tác phẩm về Hà Nội.
Theo NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Ban giám khảo thừa nhận, một điều dễ nhận ra ở Liên hoan lần này đó là sự thiếu vắng kịch bản mới, hay, đa phần là những tác phẩm đã được dàn dựng lại. Thiếu bóng dáng của những vở diễn phản ánh cuộc sống ngày hôm nay một cách chân thực và sâu sắc. Tính chân thực lịch sử trong các vở diễn chưa được đề cao. Nhiều vở diễn trên sân khấu xã hội hóa được đầu tư công phu hơn so với nhiều đoàn trong biên chế nhà nước. Nhiều vở tính tổng quát chưa cao, thông điệp vở diễn không rõ, còn mải với những trò diễn.
Bên cạnh đó, NSND Hoàng Dũng cũng thừa nhận: Về phần âm nhạc, nhạc sáng tác cho vở diễn chưa nhiều nên nhiều vở chưa đáp ứng được yêu cầu của vở diễn, dàn nhạc và nhạc thu sẵn phối hợp không hài hòa, nhiều khi làm ngắt mạch cảm xúc của khán giả. Về thiết kế mỹ thuật sân khấu, rất ít những sáng tạo góp phần vào thành công vở diễn, đa phần là minh họa, chắp vá, không góp phần đồng sáng tạo với vở diễn…
Có thể nói, với một người gắn bó lâu năm với sân khấu Kịch Hà Nội như NSND Hoàng Dũng thì đây dường như vẫn là “căn bệnh” chưa có thuốc chữa của sân khấu. Đơn cử như hai vở diễn giành giải Vàng là “Người tốt nhà số 5” của Nhà hát Kịch Việt Nam và “Bạch đàn liễu” của Luc Team hoàn toàn được xây dựng trên kịch bản của 2 cố tác giả là những “cây đa, cây đề” của sân khấu Việt Nam là Lưu Quang Vũ và Xuân Trình.
Hay như 3 đơn vị sân khấu của Thủ đô là Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Cải lương Hà Nội đều mang đến Liên hoan những vở diễn đậm chất lịch sử, cổ tích… mà không phải là những vở diễn phản ánh cuộc sống, con người Hà Nội hiện nay.
Trước đó, vào năm 2018, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội phát động sáng tác kịch bản sân khấu hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, dường như hiệu quả từ các cuộc phát động cho đến các trại sáng tác về sân khấu nói chung và về đề tài Hà Nội nói riêng còn chưa được khẳng định.
Có thể nói, sân khấu sau một thời gian dài “đóng băng” cùng với việc “sáng đèn” cần có những chất xúc tác để giải “cơn khát” về khâu kịch bản. Bởi chỉ có những diễn mới, tác phẩm hay mới có thể thu hút khán giả đến với sân khấu, chứ không đơn thuần chỉ là dàn dựng rồi mang đi thi.
Theo NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Ban giám khảo thừa nhận, một điều dễ nhận ra ở Liên hoan lần này đó là sự thiếu vắng kịch bản mới, hay, đa phần là những tác phẩm đã được dàn dựng lại. Thiếu bóng dáng của những vở diễn phản ánh cuộc sống ngày hôm nay một cách chân thực và sâu sắc.