Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), dinh dưỡng của bữa ăn học đường là một trong những mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh có con theo học bán trú. Dư luận băn khoăn Nghị định 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10, liệu có đủ sức răn đe?
Cần chú trọng hơn đến bữa ăn tại trường của con trẻ.
“Trưa nay, con ăn gì?” Đây là câu hỏi mà hầu như phụ huynh nào cũng hỏi con khi ăn ở trường. Chị Lan Phương (Khu đô thị Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết, con chị năm nay mới bắt đầu vào lớp 1. Theo chị Phương, mặc dù biết về quy trình kiểm thực 3 bước, nhưng chị Lan Phương cũng cho rằng không phải lúc nào các bậc phụ huynh ban đại diện cha mẹ học sinh cũng có thể tham gia giám sát các khâu này. Giấy tờ các đơn vị cung cấp thực phẩm dù có đưa ra nhưng thực phẩm mỗi ngày là khác nhau nên vẫn trông chờ chủ yếu vào “lương tâm” của các nhà cung cấp là chính.
Ông Cao Văn Trung - Phó trưởng Phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục ATTP - Bộ Y tế) cho rằng, so với các suất ăn cho các công ty, xí nghiệp với lượng thực phẩm cung cấp có nguồn gốc đa dạng, rất khó kiểm soát về chất lượng vệ sinh và dinh dưỡng thì bữa ăn học đường có thể dễ dàng giám sát hơn cả ở khâu cung cấp và chế biến thực phẩm.
Hiện nay bữa ăn học đường tại các trường đang có hai hình thức, một là nhà trường tự nấu hoặc ký hợp đồng với một công ty cung cấp các suất ăn. Trong đó, nhà trường thì không có biên chế cho các nhân viên của bếp ăn nên đây cũng là một chi phí có thể tính vào giá thành các suất ăn. Đối với các công ty, trước hết họ là các đơn vị kinh doanh nên vấn đề lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể luân phiên nhau cử người tham gia giám sát các khâu này trong nhà trường, có thể làm thường xuyên hoặc kiểm tra đột xuất để phát hiện những nguy cơ mất an toàn nếu có.
Bên cạnh đó, Nghị định 115 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP vừa chính thức có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 178 cũ đang được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện vấn đề ATTP trong trường học. Theo đó, Nghị định mới quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo. Tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm (trước chỉ 3,5 lần).
Đáng chú ý là mức trần xử phạt không vượt quá 100 triệu đồng đã được bãi bỏ. Khung phạt tiền với hành vi sử dụng hóa chất cấm cũng được tăng lên ở mức 80 đến 100 triệu đồng. Nghị định mới cũng quy định nhiều hành vi xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm.
Cơ sở vi phạm cũng bị buộc thu hồi việc công bố sản phẩm, phải tự tiêu hủy thực phẩm cũng như chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm và phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…