Bướu cổ nguy hiểm như thế nào?

T.M 29/10/2023 11:32

Bệnh bướu cổ có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Nhiều người lo lắng biếu cổ là bị ung thư, vô phương cứu chữa.

Về vấn đề này, BSCKI Lê Thanh Tuấn (Khoa Ngoại vú - Đầu Mặt cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM) cho biết: Bướu cổ là tình trạng kích thước tuyến giáp tăng lên, sưng to bất thường do các tế bào tuyến giáp phát triển và sinh sản quá mức. Trong y khoa bướu cổ gọi là bướu giáp, được chia làm ba loại bao gồm bướu giáp lành tính (bướu đơn thuần), bướu giáp ác tính và bướu giáp do cường giáp. Bướu giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, nhất là người trên 40 tuổi. Cứ 8 phụ nữ có 1 người có vấn đề về tuyến giáp. Bướu cổ không có triệu chứng đến khi phát triển thành khối u trước cổ. Khối u thường không gây đau nhưng thường có các triệu chứng: khó nuốt, khó thở, ho khan, khàn giọng…

Đa phần bướu giáp lành tính, không phải ung thư. Người bệnh được theo dõi định kỳ. Nếu bướu lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chèn ép đường thở, nuốt, thần kinh... có thể phẫu thuật. Một số trường hợp bướu giáp ác tính (ung thư tuyến giáp), người bệnh phải phẫu thuật loại bỏ một thùy chứa ung thư tuyến giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp, hạch bạch huyết nếu có di căn.

Với bướu cổ ác tính ở giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh thường không rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện bướu cổ khi khám sức khỏe định kỳ qua siêu âm, chụp CT, MRI vùng cổ vì bệnh khác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bướu ác tính to lên nhanh chóng.

Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán và đánh giá bệnh bao gồm: Xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp: Đo nồng độ hormone tuyến giáp để đánh giá tuyến giáp hoạt động bình thường hay không. Xét nghiệm kháng thể: Tìm kiếm kháng thể (loại protein được sinh ra bởi các tế bào bạch cầu) được tạo ra khi mắc một số bệnh của tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp: Phương pháp đơn giản và hiệu quả đánh giá các bất thường của tuyến giáp. Qua siêu âm, bác sĩ có thể biết được tính chất của bướu giáp để đánh giá khả năng lành hay ác của bướu. Trong trường hợp siêu âm nghi ngờ ung thư, người bệnh có thể thực hiện sinh thiết tuyến giáp bằng kim nhỏ giúp kiểm tra có hay không ung thư. Chụp CT hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) tuyến giáp: Sử dụng khi bướu giáp kích thước lớn hoặc lan xuống ngực nhằm đo kích thước và sự lan rộng của bướu cổ.

Ở giai đoạn muộn, khối u trở nên to và cứng, cố định trước cổ. Người bệnh ung thư tuyến giáp khi phát hiện không quá lo lắng vì có thể điều trị khỏi. Với người bị cường giáp sẽ được chữa khỏi bằng thuốc, i-ốt phóng xạ, phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bướu cổ nguy hiểm như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO