Chiều 18/1, ông Đặng Phong, Giám đốc Sở tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, việc nợ tiền lương tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam sẽ do lãnh đạo nhà trường xử lý và chi trả cho cán bộ, nhân viên y tế trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo ông Phong, ngày 17/1, UBND tỉnh đã có cuộc họp giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương của bác sĩ, nhân viên y tế các đơn vị công lập thuộc Sở Y tế.
Có đến 16 đơn vị trên địa bàn tỉnh còn nợ tiền lương của cán bộ, nhân viên, do đó tỉnh sẽ chi hơn 21 tỷ đồng để giải quyết.
“Riêng BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam hiện nay nợ lượng của cán bộ, nhân viên y tế khoảng 1,3 tỷ đồng. Thế nhưng bệnh viện này không trực thuộc của Sở Y tế nên không thể cung cấp nguồn từ tiền ngân sách được. Vì vậy, tỉnh đã giao cho lãnh đạo nhà trường trước mắt tạm ứng dự toán của trường để chi trả tiền lương cho bác sĩ, nhân viên y tế trước Tết này”, ông Phong thông tin.
Chia sẻ về sự việc này, ông Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, kiêm Giám đốc BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết: “Đơn vị đã nhận được thông tin về việc tạm ứng kinh phí dự toán năm 2022 của trường để trả lương cho bác sĩ, nhân viên y tế. Chúng tôi đang chờ kết luận của UBND tỉnh và văn bản hướng dẫn cụ thể để trả tiền lương cho nhân viên trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Số tiền đợt này trường phải chi trả cho khoảng 40 người là bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động hơn 1 tỷ đồng”.
Trước đó, báo Đại Đoàn Kết có bài phản ánh "Thêm một bệnh viện thuộc cơ sở giáo dục nợ lương người lao động" (số ra ngày 14/1/2022) phản ánh về việc nhiều cán bộ y tế, người lao động tại BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bị nợ lương nhiều tháng qua.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Huỳnh Tấn Tuấn cho biết, hiện tại có khoảng 40 người là cán bộ, người lao động của bệnh viện bị nợ tiền lương. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình hình nợ tiền lương của cán bộ, người lao động trong bệnh viện.
“Thứ nhất, là việc vượt trần, vượt quỹ của những năm trước không được BHXH thanh toán nên dẫn đến mất cân đối thu chi, cùng với đó dư nợ tạm ứng của những năm trước quá lớn (khi đó ông Tuấn chưa làm Hiệu trưởng - PV), thứ 2, BHXH không cho tạm ứng tiếp, trong khi đó bệnh viện bây giờ tự chủ hoàn toàn, tinh giản bộ máy hết sức rồi nhưng vẫn rất khó khăn. Thứ 3, do 2 năm qua dịch Covid-19 hoành hành, bệnh viện rất ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh, nên bệnh viện không đủ nguồn để chi lương”, ông Tuấn nói.