Chỉ sau một đêm, hàng ngàn con cá chuẩn bị xuất lồng trị giá hàng trăm triệu đồng nổi trắng mặt nước khiến nhiều ngư dân ở xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) như chết lặng. Điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm môi trường nước vì các DN lén lút xả thải thường xuyên diễn ra nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn.
Ngư dân khốn đốn vì cá chết.
Ông An, một người nuôi cá bè cho biết. Từ đầu năm đến nay tình trạng cá chết xuất hiện khoảng 5-6 lần. Lần nào cũng có đoàn kiểm tra của cán bộ địa phương đến tìm hiểu, ghi chép, đo mẫu nước… nhưng hiệu quả thì chưa thấy vì tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra, hết năm này qua năm khác, dẫn đến việc cá chết ở hàng chục bè quanh đây. Lần này, cá chết nhiều hơn do ô nhiễm nặng khiến ngư dân hầu như mất trắng. Như tôi, đầu tư cả tỷ đồng tiền giống vốn, thức ăn suốt mấy tháng qua đến giờ cá gần bán được thì cá chết. Mà nước ô nhiễm nặng nề nên cá chết chỉ trong một đêm, không cách gì cứu chữa .
Theo ông An, không riêng nhà ông mà khoảng 20 hộ dân nuôi cá bè trong khu vực này đều chịu chung số phận. Nhà nhiều thì mất cả tỷ đồng, nhà ít cũng vài trăm triệu đồng. Điều đáng nói, hầu hết các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông đều là dân nghèo, có khi phải thế chấp nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng mua cá giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, làm lồng bè nuôi cá. Nay cá chết thì nhà nào cũng ôm nợ vì bán không được.
Về nguyên nhân, anh Nam, một hộ nuôi cá cho biết là do một số nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở xã Tân Hải (huyện Tân Thành) xả trực tiếp ra sông, khiến nguồn nước bị ô nhiễm đã dẫn tới tình trạng trên. Ngay khi cá có biểu hiện bất thường cách đây vài hôm, người dân đã tìm tới và phát hiện khu vực gần các nhà máy này đang xả thải, sau đó báo cho chính quyền địa phương để làm việc trực tiếp.
Đến nay, sau khi xác định nguyên nhân, ông Trần Văn Cường, phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết đã lập danh sách các hộ dân bị thiệt hại vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó Sở yêu cầu các hộ dân kê khai đầy đủ số tài sản thiệt hại gồm tiền giống, tiền thức ăn, thuốc men (nếu có hóa đơn thì càng tốt) để thống kê các thiệt hại. Những hộ nào không có hóa đơn sẽ tự kê khai, sau đó cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các đơn vị bán trên địa bàn để xác minh. Đợt này, ước tính số tiền thiệt hại khoảng hơn 5 tỷ đồng.
Trong khi đó, mặc dù đã có gần 20 cơ sở sản xuất thức ăn gia súc bị đình chỉ hoạt động vì để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng một chủ sản xuất ở đây cho biết, nguyên nhân cá chết hay ô nhiễm môi trường thì có rất nhiều. Đặc biệt là có thể do các doanh nghiệp ở phía trên thường nguồn sông như tỉnh Đồng Nai có doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm khiến cá chết. Vì vậy, nếu bắt các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc ở đây phải bồi thường thiệt hại toàn bộ cho người nuôi cá lồng bè là không có cơ sở và thiếu công bằng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong cuộc gặp với các ngư dân nuôi cá lồng bè thiệt hại đã hứa khoảng cuối tháng 9-2015 sẽ giải quyết ổn thỏa bởi cần có thời gian xác minh cụ thể. Tuy nhiên, ông Trình không nói rõ đơn vị nào sẽ phải bỏ tiền bồi thường cho ngư dân thiệt hại.
Từ đầu năm đến giờ đã có hàng chục hộ dân bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng bởi cá chết vì ô nhiễm đã phải bỏ nghề vì làm đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết thấu đáo.