Không đọc được sách báo, không xem được tivi, chỉ làm bạn với chiếc radio nhỏ - từ khi được ghép giác mạc, ông Lê San (85 tuổi, Quận Ba Đình, Hà Nội) đã tìm thấy nguồn sáng cho đôi mắt gần như bị mù lòa suốt mấy chục năm trời.
Chờ đợi một “phép màu”
Ba tuần sau khi ghép giác mạc, con cháu ai cũng nhận thấy dường như ông San trẻ ra, với dáng đi nhanh nhẹn, khuôn mặt rạng rỡ. Trò chuyện với mọi người, trên khuôn mặt người thầy giáo già phúc hậu luôn nở nụ cười. Đối với ông lúc này, khi mọi thứ nhìn xung quanh sáng rõ chứ không còn mờ đục như trước, không có niềm vui nào bằng.
Bị cùng lúc cả 2 bệnh loạn dưỡng giác mạc và đục thuỷ tinh thể, lại thêm cận thị nặng hơn 5 đi ốp từ thời trẻ, nên hơn mấy chục năm qua, thị lực của ông Lê San còn chưa được 1/10. Sinh hoạt khó khăn, ngay cả việc đi lại từ lâu đã trở thành một thách thức lớn với ông.
“Ông cha ta nói giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay. Sống trong cảnh gần như mù lòa mấy chục năm trời nhưng lúc nào tôi cũng tha thiết mong có “phép màu” để nhìn thấy rõ cuộc sống bên mình”, ông Lê San xúc động chia sẻ.
Không đọc được sách báo và cũng chẳng xem được tivi, ông San làm bạn bên chiếc đài nhỏ. Một ngày nọ, ông tình cờ nghe tới phương pháp ghép giác mạc trên radio. Thông tin ấy đã thắp lên ánh sáng niềm tin trong thế giới thiếu ánh sáng sống suốt mấy chục năm qua.
Sau khi nhờ con cháu tìm hiểu, ông San đã quyết định chọn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để thực hiện ca phẫu thuật ghép giác mạc.
Khám cho ông San, PGS.TS Hoàng Minh Châu, Trưởng Đơn nguyên Mắt (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) nhận định ông San mắc cùng lúc hai chứng bệnh về mắt, loạn dưỡng giác mạc và đục thể thuỷ tinh. Ca phẫu thuật “2 trong 1” vừa ghép giác mạc, vừa thay thủy tinh thể trên nền bệnh nhân cao tuổi cần được xem xét kỹ lưỡng.
Tìm lại ánh sáng bằng “đôi mắt khác”
Theo PGS.TS Hoàng Minh Châu, ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong nhãn khoa, độ dày chỉ hơn 0.5 mm nên việc khoan bỏ mô hỏng và thay thế giác mạc mới đòi hỏi kỹ năng đặc biệt. Tại Việt Nam, chỉ có một số phẫu thuật viên thực hiện được.
Hơn nữa, ca ghép giác mạc kết hợp mổ thay thể thủy tinh nên các bác sĩ Vinmec đã xử lý ca mổ khác quy trình bình thường để đảm bảo an toàn. Thay vì chỉ loại giác mạc bệnh và khâu cố định giác mạc mới, phẫu thuật viên chỉ cắt bỏ một phần giác mạc, đặt thể thủy tinh nhân tạo rồi mới cắt phần còn lại giác mạc bệnh và nối mảnh ghép cuối cùng.
Ba tuần sau ca mổ, được bỏ băng mắt, không còn bị phù nề, ông San xúc động khôn nguôi khi sau bao nhiêu năm gần như không nhìn thấy gì, ông có thể nhìn rõ.“Tôi mừng lắm! Tự đi lại được, không phải phụ thuộc con cháu dẫn đi mỗi bước như trước. Mặc dù còn phải theo dõi và chăm sóc mắt tiếp, nhưng ngày hôm nay nhìn tốt hơn hôm qua là tốt lắm rồi”, ông San chia sẻ.
Đây là ca ghép giác mạc đầu tiên được thực hiện tại một bệnh viện đa khoa tư nhân ở khu vực miền Bắc. Theo PGS.TS Minh Châu, thành công của ca ghép giác mạc này sẽ tạo tiền đề vững chắc để triển khai các ca ghép giác mạc trong tương lai.
Mỗi năm trên cả nước có hàng chục nghìn ca chờ ghép giác mạc. Trong đó có không ít người đã chọn ra nước ngoài điều trị. Việc Vinmec làm chủ kỹ thuật ghép giác mạc đã đem lại thêm cơ hội tìm lại ánh sáng cho nhiều người mắc các bệnh lý về mắt.