UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Đề án phát triển bền vững nghề cua, phấn đấu xuất khẩu 30-35% sản lượng cua biển. Đề án kỳ vọng sẽ đưa nghề nuôi cua tại Cà Mau phát triển ổn định, bền vững và ngày càng nâng cao giá trị cạnh tranh, tăng cao thu nhập cho người nuôi cua.
Ngày 31/8, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững nghề cua đến năm 2030.
Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề cua; tổ chức sản xuất các loại hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng sinh thái; hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế khác nhau để đầu tư, phát triển sản phẩm. Trong đó, xác định doanh nghiệp nắm vai trò chủ đạo để kết nối các vùng sản xuất. Theo đó, định hướng đến năm 2030 ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000ha, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn; phấn đấu xuất khẩu 30-35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh; hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%.
Cà Mau là địa phương có sản lượng cua nhiều nhất trong cả nước. Một số vùng nuôi cua của Cà Mau cũng đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cua được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao nhờ có chất lượng vượt trội, thịt chắc, thơm ngon, vị đậm đà. Cua biển là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau và được xuất khẩu chủ yếu (phần lớn là tiểu ngạch) vào thị trường Trung Quốc.
Khi nói đến đặc sản cua biển Cà Mau, nhiều người nhắc đến cua Năm Căn. Cua biển Năm Căn được mệnh danh là ngon nhất xứ Cà Mau và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” vào năm 2015.